Tìm giải pháp gỡ khó việc dạy và học lớp 1 trực tuyến
Nhiều băn khoăn, lo lắng
Từ ngày 6/9, các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội chính thức bước vào chương trình học tập học kỳ I năm học 2021-2022 theo kế hoạch bằng hình thức trực tuyến. Điều này khiến nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 năm học này không khỏi băn khoăn, lo lắng. Lo việc học của con sẽ như thế nào, có thích nghi được với môi trường mới hay không và đặc biệt là học trực tuyến thì chất lượng sẽ ra sao khi các con chưa hề biết đọc, biết viết? Lo lắng của phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở bởi lớp 1 là lứa tuổi đặc biệt nhất trong các khối đầu cấp, học sinh chuyển từ Mầm non lên Tiểu học, làm quen với viết, đọc nên việc dạy học trực tuyến sẽ rất khó khăn cho cả thầy lẫn trò.
Cứ nghĩ đến con gái năm nay vào lớp 1 phải học trực tuyến, chị Nguyễn Thị Hồng (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) lại tỏ ra sốt ruột. Chưa hình dung nổi học trực tuyến thì học sinh lớp 1 sẽ luyện chữ, đánh vần thế nào, chị Hồng dự định khi con phải học theo hình thức sẽ cắt cử người ngồi cùng để kèm cặp, hướng dẫn.
“Con còn quá nhỏ, chưa tự vận hành được máy tính, cũng chưa học trực tuyến lần nào. Nếu phải học trực tuyến thì luôn phải có người lớn ở bên theo kèm để giúp con về máy móc và nhắc nhở con tập trung. Ngoài ra, tôi cũng sợ con mới chập chững bước vào lớp 1 mà suốt ngày cứ học trên máy tính, không có nhiều thời gian được trò chuyện, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè sẽ phần nào ảnh hưởng đến tinh thần con, khiến con không có năng lượng, sự hào hứng khi học, từ đó việc học tập không đạt hiệu quả cao” – chị Hồng bày tỏ.
Học sinh học trực tuyến. |
Cùng chung tâm trạng với chị Hồng, chị Phạm Thu Hiền (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) tâm sự: “Khi con còn đang học mẫu giáo, tôi không cho con học chữ trước và có dự định khi nghỉ hè sẽ cho con đi học thêm. Thế nhưng dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến kế hoạch của tôi không thể thực hiện được. Năm học mới sắp đến nhưng con tôi mới nhận biết được vài chữ cái và vài nét cơ bản. Giờ học trực tuyến thì rất khó khăn bởi không phải lúc nào phụ huynh cũng sắp xếp được để ngồi học cùng con. Trẻ con vẫn còn giữ thói quen ở mẫu giáo, chưa có ý thức tập trung học nên nếu giao điện thoại hoặc máy tính cho con học một mình cũng không được”.
Vì học trường tư nên con chị Vũ Thị Quế (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) đã vào học được vài ngày, sớm hơn so với các học sinh trường công lập. Theo chị Quế, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các con phải tiếp cận với cách học mới. Với học sinh lớp lớn thì không còn bỡ ngỡ do đã trải qua 2 năm được tiếp cận với cách học trực tuyến. Tuy nhiên với các con năm nay vào lớp 1 thì quả là thiệt thòi và quá khó khăn cho cả nhà trường và phụ huynh.
“Việc học trực tuyến bắt buộc phải có người lớn hỗ trợ. Một đứa trẻ 6 tuổi dù không còn xa lạ gì với những máy tính bảng, thiết bị smartphone nhưng không thể thành thạo các thao tác để vào lớp học. Nếu gia đình nào bố mẹ vẫn phải đi làm, không có người lớn hỗ trợ thì việc sử dụng máy tính để vào lớp học quả là đánh đố với các con. Chưa kể, các con chưa quen với kỷ luật của một lớp học kiến thức nên rất dễ mất tập trung. Như con tôi học một tiết nhưng phải đến 4-5 lần xin cô giáo và bố mẹ cho đi uống nước, vệ sinh… Đó chỉ là lý do để các con muốn thoát ra khỏi lớp học vì chưa đủ kiên trì ngồi nghiêm chỉnh học suốt thời gian 45 phút dù các thầy cô giáo đã rất cố gắng xây dựng các bài giảng tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh thông qua các câu chuyện, hình ảnh sinh động, bắt mắt” – chị Quế chia sẻ.
Chủ động các giải pháp
Việc dạy và học trực tuyến thay thế cho việc dạy và học trực tiếp ở địa phương chưa thể học trực tiếp được trong điều kiện dịch bệnh hiện nay được xem là phù hợp và khả thi nhất. Nhiều thầy cô giáo cho rằng dù học trực tiếp hay trực tuyến, trẻ lớp 1 khó tránh cảm giác lo sợ khi học trường mới, lớp mới, thầy cô mới, bạn bè mới… Quá trình học trực tuyến, thiếu vắng các hoạt động cùng ăn, chơi, ngủ nghỉ với bạn bè, tiếp xúc giáo viên khiến việc củng cố tâm lý cho các con càng khó khăn hơn. Chính vì vậy cần có sự phối hợp giữa gia đình – nhà trường để việc học trực tuyến của con trẻ trở nên hiệu quả.
Khẳng định việc dạy và học trực tuyến với học sinh lớp 1 là vô cùng khó khăn và nhiều thử thách, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình Lê Đức Thuận cho biết ông thấu hiểu “cái khó” của cả phụ huynh, học sinh và người dạy. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không còn cách nào khác là phải tìm mọi cách nỗ lực, vượt qua khó khăn và thích ứng với hoàn cảnh.
Ghi nhận của phóng viên, thời điểm hiện tại, nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội đã tiến hành cho học sinh học trực tuyến. Riêng với chương trình của lớp 1, các nhà trường đã đưa ra nhiều giải pháp như dạy học vào buổi tối với sự tham gia của phụ huynh, giảm số lượng môn học, dạy học qua video clip… để đảm bảo chất lượng và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Tại khối công lập, các đơn vị, nhà trường cũng đặc biệt dành nhiều sự quan tâm, có sáng kiến, giải pháp riêng đối với học sinh lớp 1, bởi các em chưa biết đọc, biết viết. |
Theo ông Thuận, dù là quận trung tâm Thành phố nhưng trên địa bàn Ba Đình vẫn còn không ít phụ huynh gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến của học sinh. Lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau khắc phục khó khăn, ngành GD&ĐT quận Ba Đình đã quán triệt đến các nhà trường sớm tổ chức họp phụ huynh đối với học sinh khối lớp 1 để tìm hiểu hoàn cảnh, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
“Phương pháp tổ chức dạy học như thế nào, Phòng GD&ĐT quận sẽ hướng dẫn cụ thể đến các trường sau khi có chỉ đạo từ Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, để chuẩn bị cho việc triển khai được thuận lợi, chúng tôi cũng đã đề ra nhiều phương án, kế hoạch khác nhau để áp dụng trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Để việc học trực tuyến diễn ra thuận lợi nhất, giáo viên chủ nhiệm phải là người mở đường, kết nối, cần sự đồng thuận, phối hợp nhuần nhuyễn đối với phụ huynh học sinh. Có thể chúng ta sẽ mất từ 7-10 buổi để cả thầy, trò, phụ huynh làm quen với nhau, với phương pháp học mới. Nếu chưa bắt tay vào làm thì chưa thể biết được “vấp” ở khâu nào. Vì vậy, chúng ta cứ triển khai từ từ, từng bước một. Khó ở đâu, chúng ta sẽ “gỡ” ở đó” – ông Thuận chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy), theo Hiệu trưởng Đỗ Thị Mai, nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học thích ứng với diễn biến của dịch, kể cả phương án dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1. Điều thuận lợi là các bậc phụ huynh luôn đồng thuận, hỗ trợ và bảo đảm tối đa các điều kiện học tập cho con em mình. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã cơ bản quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn với học sinh lớp 1, nhà trường dự kiến tổ chức họp phụ huynh vào ngày 28/8 để xác định thời gian học tập phù hợp và các biện pháp cần hỗ trợ học sinh. Chủ trương của nhà trường là dành thời gian đầu năm học để học sinh làm quen cách tương tác với thầy cô và bạn bè qua thiết bị điện tử, sau đó triển khai dạy tập đọc, làm toán; việc dạy tập viết sẽ triển khai sau.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục Tiểu học vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 23/8, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, ngày 6/9/2021 là hết hạn áp dụng giãn cách xã hội lần thứ 3 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nếu tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội được kiểm soát thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay. Các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021-2022. Vì vậy, việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường. Tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh; dành từ 7 đến 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn… sau đó mới triển khai kế hoạch học tập. Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh ở địa bàn mình, những nội dung chưa thể triển khai sẽ thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.
Nguồn: Báo lao động thủ đô