Tìm giải pháp đánh thức tiềm năng logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

(Xây dựng) – Sáng 02/12, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức đã diễn ra tại thành phố Cần Thơ. Tại Điễn đàn các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ, ngành và doanh nghiệp đã thảo luận các vấn đề những tiềm năng và hạn chế, đồng thời tìm giải pháp để phát triển logistics, khơi thông luồng hàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tìm giải pháp đánh thức tiềm năng logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trường Ban Kinh tế Trung ương, phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam vẫn lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logicstics được dự báo đạt 5,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị phạm vi toàn cầu.

Tìm giải pháp đánh thức tiềm năng logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Bà Phan Thị Thắng – Thứ Trưởng Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023, bà Phan Thị Thắng – Thứ Trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của cả nước. Là 1 trong 6 Vùng kinh tế trọng điểm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% các loại trái cây.

Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng.

Để cùng tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối ưu những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 được Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức với chủ đề “Logistics và Chuyển đổi số Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Tìm giải pháp đánh thức tiềm năng logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Thành ủy Cần Thơ thông tin về phát triển logistics thành phố Cần Thơ.

Đến dự và phát biểu với Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Các ngành dịch vụ truyền thống, mang lợi thế của thành phố như ngành thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, logistics đã có những bước phát triển, đóng góp tích cực và sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố nói riêng và tiểu vùng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics trên thành phố đạt từ 10 – 15%/năm, khối lượng hàng hóa qua thành phố tăng mạnh, doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát đều tăng so cùng kỳ năm trước, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp và xây dựng từng bước đồng bộ, hiện đại phù hợp xu hướngphát triển vận tải trên địa bàn cả nước.

Được sự quan tâm của Trung ương hệ thống giao thông kết nối được đầu tư đồng bộ hơn. Thành phố đang kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng, trung tâm logistics, góp phần đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế vùng và hiện đại, là một mắc xích quan trọng trung chuyển hàng hóa của khu vực.

Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu phát triển thành phố đến năm 2030 là “thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương và các diễn giả, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế tiềm năng logistics nhưng hiện nay phát triển dịch vụ logistics chưa tương xứng, như: Đường biển chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ; Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác hoàn chỉnh cho tàu tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn. Hàng không vẫn chưa phát triển nhiều đường bay nội địa, quốc tế và chưa phát huy hiệu quả khai thác, chưa xứng đáng với tiềm năng. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu phải chuyển tải bằng đường bộ về các cảng lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 – 40% tùy từng tuyến. Chưa có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics trên địa bàn; khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ logistics yếu; chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Hơn nữa, chưa có những công ty logistics nước ngoài tham gia thị trường cung cấp dịch vụ tại Đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có số ít các công ty trong nước, chủ yếu là các doanh nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII Về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nội dung liên quan đến phát triển logistics để phát huy tiềm năng của Vùng, đón bắt các cơ hội mới trong thời gian tới. Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để tạo điều kiện phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu, phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa”.

Tìm giải pháp đánh thức tiềm năng logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long?
Tàu cặp bến Tân Cảng Cần Thơ.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Diễn đàn làm rõ thực trạng phát triển logistics năm 2023 của Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số trên phạm vi chung cả nước và phạm vi vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Làm rõ các kết quả đạt đươẹ, hạn chế tồn tại các khía cạnh: hạ tầng logistics, các dịch vụ logistics, năng lực doanh nghiệp logistics, hoạt động logistics tại doanh nghiệp… làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển logistics. Làm rõ tình hình thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics của Việt Nam. Nhận diện, đánh giá làm rõ về thực trạng liên kết vùng trong phát triển logistics, việc triển khai xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn tại các đô thị theo chủ trương của Đảng và các đề án liên quan của cấp có thẩm quyền. Nhận diện, trao đổi về các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển logistics của các địa phương và đề xuất kiến nghị Trung ương, các Bộ, ngành nhất là các nội dung có liên quan đến logistics trong chuyển đổi số và trong liên kết vùng. Nhận diện bối cảnh mới tác động đến phát triển phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới; đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện chủ trương, đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách cho thúc đẩy phát triển logistics tại Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số quốc gia…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích