Tìm được ảnh liệt sĩ sau 73 năm hy sinh

(Xây dựng) – Trong quá trình tác nghiệp tại miền Nam, phóng viên Báo Xây dựng có cuộc tiếp xúc với một lão thành cách mạng – bà tên là Lê Thị Hạnh Phúc, nguyên Bí thư phụ nữ đầu tiên của huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình thời gian đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1951). Câu chuyện kể về những người đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời – đã trên 70 năm rồi, mà trong tâm trí bà Lê Thị Hạnh Phúc vẫn cảm thấy mọi chuyện như vừa mới xảy ra hôm qua, hôm kia thôi.

tim duoc anh liet si sau 73 nam hy sinh
Bà Lê Thị Hạnh Phúc (bên trái); bà Huê (bên phải).

Bà Lê Thị Hạnh Phúc nay đã 93 tuổi, đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ, lục tìm trong đống ảnh cũ, rồi đưa cho phóng viên bức ảnh nhỏ chỉ bằng đốt ngón tay cái. Vừa đưa, bà vừa nói: “Đây là di ảnh của anh ấy. Lúc này mới ngoài 20 tuổi thôi, đang là Bí thư Huyện uỷ huyện Bố Trạch (1949). Một cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh hăng hái, tài năng, đầy triển vọng…”! Người trong bức ảnh mà bà Lê Thị Hạnh Phúc đưa cho phóng viên, chính là ông Trần Thiệt, quê làng La Hà, xã Quảng Văn (trong kháng chiến chống Pháp thuộc xã Ninh Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ông là người Bí thư thứ sáu của Huyện uỷ Bố Trạch (từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1949). Vào một ngày đầu tháng 9/1949, khi ông trên đường về thôn Lý Nhân sát biển (gần khu vực “Ba Dốc” của QL1 phía Bắc thị xã Đồng Hới xưa – nay là xã Lý Nhân, huyện Bố Trạch) công tác, thì bị quân Pháp phục kích vây bắt, bắn chết tại chỗ. Những năm tháng công tác tại huyện Bố Trạch, ông Trần Thiệt có mối tình rất đẹp với một nữ cán bộ phụ nữ huyện. Bà tên là Nguyễn Thị Huê. Bà Huê sinh năm 1930, quê làng Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hai người yêu nhau thắm thiết và họ đã xin phép gia đình, báo cáo tổ chức để thành hôn. Gia đình, tổ chức đồng thuận, họ trở thành đôi uyên ương, chỉ chờ ngày cưới là xong. Ông Trần Thiệt hy sinh, nỗi đau tột cùng ập đến người vợ trẻ chưa cưới. Trong cuốn hồi ký “TỰ TRUYỆN VỀ CUỘC ĐỜI” – xuất bản năm 2007, bà Nguyễn Thị Huê đã viết những dòng đau đớn, nghẹn ngào, cho đến bây giờ, khi tuổi tác đã cao bên chồng (cũng là người bạn, người đồng chí của ông Trần Thiệt) cùng đàn con cháu đông đúc: “Người yêu đầu tiên của tôi là Trần Thiệt. Anh là Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch, hy sinh tháng 9/1949, lúc mới 21 tuổi (ngày kỵ hằng năm là 17/8 Âm lịch). Thiệt là mối tình đầu, và chỉ còn một tháng nữa chúng tôi trở thành vợ chồng chính thức. Vì hai chúng tôi và gia đình đã định ngày cưới. Thiệt đi công tác vùng địch hậu. Địch bắn bị thương ở Lý Nhân Nam – một làng biển gần đồn địch ở thị trấn Hoàn Lão (thuộc huyện Bố Trạch). Nếu sau khi bị thương, anh được đưa ngay ra vùng ta kiểm soát và kịp thời vào bệnh viện, thì có thể không chết. Nhưng ở thời điểm đó, tất cả các ngả đường ra vùng ta kiểm soát, đều bị địch bao vây, phục kích 24/24 giờ.

tim duoc anh liet si sau 73 nam hy sinh

Mãi hai ngày sau mới đưa anh ra được thì quá muộn. Lúc đến vùng ta kiểm soát ở thôn Phú Hữu, tôi và bạn bè được gặp. Thiệt lúc đó vẫn tỉnh táo, nhận ra tôi và xin uống nước. Tôi không hề có ý nghĩ là Thiệt chết. Trong thời gian chờ đợi bố trí để đưa anh đi bệnh viện Đồng Lào (huyện Tuyên Hoá), thì có anh Trần Trọng Cách (anh ruột của Thiệt) đến. Tôi liền nói: “Có anh ở đây, để em tranh thủ đi ăn cơm” (nhà ăn cách đó 4 -5 nhà). Khi tôi đang bưng bát cơm ăn, thì cậu Ngọc liên lạc của Huyện uỷ, chạy đến bảo: “Anh Thiệt chết rồi!”. Bát cơm trên tay tôi rơi choảng xuống sàn nhà, vỡ toang, cơm bắn tung toé. Tôi chạy ngay tới nơi Thiệt nằm. Thấy lá cờ đỏ sao vàng to phủ kín người anh. Tôi ôm chầm lấy người anh, áp tay mình vào lồng ngực anh. Vẫn còn hơi ấm. Tôi hét to: “Không! Không! Anh không chết!”. Tôi không còn cảm giác được những gì ở xung quanh. Không hề thấy gì xung quanh. Mặc dù trước đó, trải qua một quá trình dài yêu nhau, nhưng chưa bao giờ tôi có hành vi hay một biểu hiện tình yêu trước nơi đông người, vì xấu hổ. Mọi người đứng đó, im lặng, cùng chia sẻ nỗi đau tột cùng của tôi. Họ khẽ nói: “Anh đi rồi!”. Thế là hết! Tôi không thể nào níu kéo được nữa. Gia đình xin đưa anh về mai táng ở quê nhà. Quê anh ở làng La Hà, gần đồn địch đóng ở thị trấn Ba Đồn. Vì vậy tất cả phải làm xong trong đêm. Từ nơi anh mất (ở Phù Hữu), đi đò dọc về quê cũng đã 2 giờ sáng. Tất cả mọi việc phải làm bí mật, khẩn trương và phải xong trước 5 giờ sáng. Để chậm hơn, địch sẽ phát hiện được. Giờ phút để lại nỗi đau khắc sâu trong tôi là lúc hạ quan tài xuống huyệt. Một cảm giác hẫng hụt, đau đớn vô cùng! Một nỗi đau không bút mực nào diễn tả xiết… Thế là hết! Hết hẳn rồi! Vĩnh biệt! Không bao giờ thấy anh được nữa! Lấp kín đất, đắp cao thành mộ. Tôi ngất xỉu. Mọi người dìu tôi đi. Trên đường về, ghé qua nhà anh. Vừa đặt chân vào thềm nhà, tất cả mọi người trong gia đình anh ôm chầm lấy tôi mà khóc – gọi là gào thì đúng hơn là khóc. Nước mắt giàn giụa như suối chảy, miệng gào thét, kêu trời. Những vòng tay ôm chặt lấy tôi. Nỗi đau đớn tận cùng. Tôi sụp đổ hoàn toàn, tưởng chừng không sống nổi. Những ngày ở cơ quan, ai cũng quan tâm, săn sóc, nài ép tôi ăn thứ này thứ khác. Nhưng tôi không nuốt nổi; không ăn, không ngủ. Đêm nằm nước mắt đầm đìa, ướt hết gối. Gần hai tuần sau, Huyện uỷ tổ chức truy điệu Anh. Nỗi đau chìm xuống, lại được gợi lên. Cả một hội trường đầy người, lặng đi, nước mắt đầm đìa. Ai cũng tiếc thương Thiệt vô hạn… Anh Hoàng Đài được Tỉnh uỷ Quảng Bình chỉ định làm Bí thư, thay Thiệt. Anh chủ trì buổi truy điệu. Anh nghẹn ngào, nói không nên lời. Mọi người đều hiểu, và lặng im, chỉ có nước mắt thay lời, một sự thấu hiểu. Anh Hoàng Đài là Thường vụ Huyện uỷ Tuyên Hoá, được điều vào Bố Trạch. Anh nhận hai chúng tôi (Huê, Thiệt) là em kết nghĩa. Với một tình cảm chân thành, coi hai chúng tôi như hai đứa em ruột, quý mến nhau thực lòng. Có chút gì ăn ngon để dành cho nhau. Một tình cảm trong sáng thực sự. Thiệt mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho tất cả những ai từng biết Thiệt. Với anh Đài là người anh kết nghĩa, niềm thương tiếc gấp lên bội phần. Với tình cảm chân thành của người anh kết nghĩa, anh cảm thông sâu sắc nỗi đau khổ của tôi. Và anh cũng là người chia sẻ, săn sóc, an ủi tôi nhiều nhất. Tình cảm của anh lúc ấy vô tư, trong sáng, thực sự là một người anh và có phần trách nhiệm vì anh đã là Bí thư Huyện uỷ. Tôi tin cậy, kính nể, coi anh là chỗ dựa tinh thần…! “. Mấy năm sau, khi cuộc kháng chiến chống Pháp gần kết thúc, chị Nguyễn Thị Huê – Bí thư phụ nữ huyện Bố Trạch, đã kết hôn cùng người đồng chí cũng là Bí thư Huyện uỷ đương nhiệm là ông Hoàng Đài. Bà Lê Thị Phúc và bà Nguyễn Thị Huê là hai người bạn, hai người đồng chí thân thiết, hai lão thành Cách mạng đều trên 75 tuổi Đảng (bà Huê và cụ Hoàng Đài đã qua đời trên chục năm nay, nên chưa kịp đón nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng). Hai bà y như hai chị em ruột. Cùng nhau chia ngọt sẻ bùi; cay đắng, vất vả đều luôn bên nhau…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích