Tìm đầu ra cho đặc sản nhãn Sơn Thuỷ Hoà Bình

Nhãn Sơn Thuỷ được nhiều người tiêu dùng gần xa biết tới
Nhãn Sơn Thuỷ được nhiều người tiêu dùng gần xa biết tới

Cây nhãn bén duyên với đồng đất xã Sơn Thủy nay là xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi (Hoà Bình) từ năm 1989. Sau hơn 30 năm từ những cá thể ban đầu tại vườn nhà ông Bùi Văn Lực, vượt qua biết bao thăng trầm, trở ngại, từ kỹ thuật canh tác đến nơi tiêu thụ sản phẩm. Nhưng với những ưu điểm về khí hậu, đất đai, cùng với sự kiên trì, chịu khó của người nông dân, cây nhãn đã dần có chỗ đứng vững chắc và trở thành cây trồng chủ lực của người dân địa phương.

Vào năm 2016, sản phẩm nhãn Sơn Thủy khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể”. Tiếp đó, hàng loạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm (năm 2016), VietGAP (năm 2019), OCOP (năm 2020) đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong nước và quốc tế.

Nhãn Sơn Thủy cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Hòa Bình được cấp mã số vùng trồng vào năm 2019 và đó là “giấy thông hành” để sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế, trong đó, một trong những thị trường khó tính nhất là EU.

Báo Hoà Bình đưa tin, bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 8, các nhà vườn trồng nhãn Sơn Thủy trên địa bàn xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi (Hoà Bình) ngao ngán bởi nông sản tiêu thụ chậm, tư thương thu mua nhỏ lẻ. Sản lượng năm nay dự kiến chỉ đạt 1/3 so với cùng kỳ năm trước, giá thành dao động từ 9.000 – 10.000 đồng/kg, thấp hơn 5.000 – 7.000 đồng/kg so với thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19. Lại một mùa thu hoạch nữa người dân ôm trái đắng, thực tế đó đã dẫn đến tình trạng người dân không còn quá mặn mà với cây nhãn Sơn Thủy.

Giá rẻ, người dân không còn quá mặn mà với cây nhãn Sơn Thủy
Giá rẻ, người dân không còn quá mặn mà với cây nhãn Sơn Thủy

Tại một số nhà vườn chất lượng quả không đồng đều, giá thành chạm “đáy” khoảng 7.000 đồng/kg hoặc rất khó tiêu thụ. Hiện nay, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có 41 thành viên với tổng diện tích nhãn Sơn Thuỷ 34 ha, chủ yếu là giống nhãn Hương Chi được đưa về từ tỉnh Hưng Yên. Năm 2022, sản lượng nhãn của HTX đạt gần 450 tấn, giá thu mua tại vườn ổn định ở mức 15.000 đồng/kg. Dự kiến vụ năm nay sản lượng chỉ đạt khoảng 120 tấn, giá thành sụt giảm còn dưới 10.000 đồng/kg.

Ông Bùi Trọng Thơ, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: “Vụ thu hoạch năm nay thị trường thu mua nhãn ảm đạm, sản lượng không đạt để xuất khẩu. Đối với nhãn loại đẹp dùng làm quà biếu sau khi cắt tỉa cành, đóng hộp có giá từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, nhưng số lượng tiêu thụ ít ỏi”.

Xã Xuân Thủy đã mở rộng trên 170 ha trồng nhãn với khoảng 600 hộ dân tham gia trồng tại các xóm: Khoang, Bèo, Lốc, Khớt… Trong 2 – 3 năm trở lại đây, việc tiêu thụ nhãn Sơn Thủy bấp bênh do sản lượng thấp, giá thành không ổn định. Nguyên nhân chính do cây nhãn được nhân rộng, trồng phổ biến trên địa bàn xã và các vùng lân cận dẫn đến nguồn cung vượt cầu. Một số hộ trồng nhãn sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, không tham gia vào liên kết, phát triển kinh tế tập thể, chưa ứng dụng được tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chất lượng quả không cao, thương hiệu bị suy giảm. Nhãn Sơn Thủy hiện phải cạnh tranh khốc liệt trực tiếp với một số địa phương trồng nhãn nổi tiếng như Hưng Yên, Sơn La… nên thị trường bị bó hẹp.

Thị trường tiêu thụ chính của nhãn Sơn Thủy chủ yếu trên địa bàn và các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Dương và một số tỉnh miền Trung… HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có vai trò kết nối với tư thương để vận chuyển nông sản đi các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, HTX chưa tạo được liên kết, cung cấp hàng hóa nông sản cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nên vẫn còn tình trạng tư thương ép giá; hàng hóa nông sản sau khi thu hoạch không tiêu thụ được.

Ông Bùi Văn Đông, xóm Khoang, xã Xuân Thủy cho biết: “Quá trình trồng và chăm sóc cây nhãn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Trong thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 xảy ra mưa lớn đã ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Cây ra hoa nhưng không đậu quả nên sản lượng đạt thấp. Giá cả thị trường không ổn định, cây trồng không đem lại hiệu quả kinh tế cao dẫn đến tâm lý e ngại của các nhà vườn, không muốn đầu tư vì không có lãi. Chúng tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát triển nhãn Sơn Thủy”.

                                                          Theo tạp chí Thương hiệu sản phẩm

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích