Tìm dấu chân cha trên đất thiêng Côn Đảo

(Xây dựng) – Tháng Bảy, mảnh đất linh thiêng Côn Đảo chào đón tôi bằng cơn mưa tầm tã, lòng nhủ thầm, có lẽ việc tôi tìm về vùng đất được mệnh danh bàn thờ của Tổ quốc đã khiến “trời cũng cảm động”. Đội áo mưa, tôi rảo bước theo đường Lê Văn Việt, hướng thẳng đến nhà tù Phú Hải, một trại giam được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862 với nhiều tên gọi khác nhau để giam cầm những người chiến sĩ cách mạng. Trong số những chiến sĩ ấy có cha tôi, từng bị địch bắt giam cầm cách đây 73 năm.

Tìm dấu chân cha trên đất thiêng Côn Đảo
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Những hạt mưa lã chã lên mặt, khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện được cha tôi kể về thời gian ông bị giam cầm ở đây. Chuyện “tắm khô” hay “tắm nắng” suốt mấy ngày và may mắn trời đổ mưa khiến ông thoát bỏ mạng. Để có được những mảnh ghép về những năm tháng bị địch bắt tù đày, tra tấn, tôi nhiều lần động viên, cha mới kể vì cho rằng, những gì ông trải qua chẳng thấm là bao so với hy sinh to lớn của những người chiến sĩ cách mạng ngoài Côn Đảo. Hôm nay, tôi lần theo từng mảnh ghép của cuộc đời ông để chắp lại, mà những ngày trong ngục tù Côn Đảo ông kể trong những ngày cuối đời là một phần quan trọng tôi muốn được gìn giữ.

“Tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu” nhưng hồi cha tôi tình nguyện đi bộ đội, ông phải lận mấy cục đá vào cạp quần mới đủ cân nặng để vào bộ đội. Cấp trên biết chuyện nhưng cha cứ nằng nặc xin nhập ngũ và cuối cùng ông được biên chế vào bộ đội địa phương tỉnh Vĩnh Phúc lúc bấy giờ. Hồi đấy, địch đã chiếm đóng hầu hết các vị trí trọng yếu trên địa bàn Vĩnh Yên – Phúc Yên. Năm 1952, ông cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ chống càn, trận Bãi Sậy (Yên Lạc) và bị địch bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò tra tấn, hỏi cung nhưng không khai thác được gì, chúng đã đưa cha tôi cùng một số đồng đội đi giam cầm ở nhà tù Côn Đảo.

Những ngày bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo cũng như những tù binh khác, cha tôi chịu đòn tra tấn tàn độc của kẻ thù, nơi giam cầm là nơi máu trộn chất thải tù binh. Trong ngục tối tăm, bẩn thỉu, phần lớn tù binh mắc bệnh tiêu chảy, có người sau những trận tra tấn dã man cùng với bệnh tật đã ra đi mãi mãi. Trước ngày vào bộ đội, bố tôi được bạn chăn trâu dạy viết trên cát vài câu tiếng Pháp, biết việc này nên cai tù đã sắp xếp cho cha tôi và bác Phan Hồng Thanh (Từ Liêm, Hà Nội) đi bốc vác, quét dọn phòng cho viên cai ngục. Thấy những viên thuốc rơi vãi, ông đã bàn với bác Thanh giấu mang về ngục với hy vọng giúp chữa vết thương cho bạn tù. Song, khi về buồng giam, cai ngục bắt cởi hết quần áo trước khi vào buồng thì bị chúng phát hiện. Tên cai ngục điên cuồng tra tấn hai ông, với những đòn hiểm ác như đổ nước xà phòng vào mũi, bắt nằm xấp rồi giẫm giày đinh từ đầu đến chân, lột quần áo bắt phơi người dưới cát nóng giữa trưa nắng. Chưa thỏa mãn, chúng đã dùng thủ đoạn giam cầm trong ngục không mái che với tên gọi mĩ miều gọi là “tắm nắng” vài ngày đến hoại tử, lột da. Trong lần đến thăm cha tôi lúc bệnh nặng, bác Phan Hồng Thanh kể, khi đó, cha tôi bị tra tấn đến bất tỉnh, chúng chửi “cô – xoong” rồi tống vào ngục, còn bác Thanh bị tra tấn đến nửa đêm và bị đánh đứt gân chân, mang di chứng đi tập tễnh suốt đời.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 07/5/1954, Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ngày 20/8/1954, thực dân Pháp đưa cha tôi cùng hơn 500 tù binh quê Bắc và Trung Bộ xuống tàu để về đất liền trao trả tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sáng 01/10/1954, khi tàu vào gần bờ, đoàn tù binh đã cởi hết quần áo nhà tù Pháp ném trả cho chúng, ngay sau đó trên boong tàu đã giương cao biểu ngữ, chân dung Bác Hồ và cờ đỏ sao vàng, bước lên đất liền trong sự chào đón hân hoan của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa.

Trong những ngày lưu lại Côn Đảo, tôi đã dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu và các bậc tiền nhân đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Được sự hướng dẫn của chị Dung, hướng dẫn viên thuộc Bảo tàng Côn Đảo, tôi lần lượt đến thăm các nhà tù, với hy vọng tìm kiếm thông tin và lần theo dấu chân cha tôi trong thời gian bị tù đày ở Côn Đảo. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh phục dựng tại các xà lim, ngục giam tại các nhà tù, cảnh tượng mà thực dân, đế quốc và tay sai đã tra tấn tù nhân cách mạng, khiến tôi cũng như bất kể ai khác cũng không khỏi ghê sợ. Lòng quặn đau khi nhớ lại câu chuyện mà cha tôi kể, trước lúc đi xa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích