Tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên toàn cầu tăng vọt ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường

Theo Báo cáo Triển vọng Tài nguyên Toàn cầu năm 2024 của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), mức tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên trên thế giới – từ thực phẩm đến nhiên liệu hóa thạch, đã tăng gấp ba lần, trung bình hơn 2,3% mỗi năm. Hoạt động khai thác và xử lý một lượng lớn tài nguyên tạo ra hơn 60% lượng khí thải nhà kính làm nóng hành tinh, đồng thời tàn phá hệ sinh thái và gây hại cho sức khỏe con người.

Nhà máy nhiệt điện xả thải ra môi trường. Ảnh minh họa

UNEP cảnh báo, nếu không có sự thay đổi mang tính đột phá, tình trạng khai thác tài nguyên Trái đất sẽ tiếp tục gia tăng, cụ thể ở mức gần 60% đến năm 2060 so với mức năm 2020, từ 100 tỷ tấn lên 160 tỷ tấn.

Ông Hans Bruyninckx – Tác giả chính của báo cáo nhận định, với tốc độ tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên như hiện tại, mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ vượt mức giới hạn 1,5-2 độ C đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

“Tình trạng lạm dụng tài nguyên thiên nhiên gây tác động đến các hệ thống trên Trái đất là không thể chấp nhận, tương tự việc tiếp cận tài nguyên không đồng đều trên thế giới”, ông Hans Bruyninckx nhấn mạnh.

Còn theo báo cáo được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2023 thế giới tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng, một phần do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng ở các quốc gia có sản lượng thủy điện giảm do hạn hán.

Các nhà khoa học cho biết, việc giảm mạnh lượng phát thải, chủ yếu từ đốt nhiên liệu hóa thạch, sẽ là cần thiết trong những năm tới để đạt được các mục tiêu nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu và ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng hiện nay. Báo cáo nêu rõ, phát thải khí CO2 từ ngành năng lượng toàn cầu tăng 1,1% trong năm 2023 lên mức 37,4 tỷ tấn, cao hơn 410 triệu tấn so với kỷ lục trước đó ghi nhận năm 2022.

Trước thực trạng này, UNEP cho biết “Lựa chọn duy nhất là ổn định và cân bằng mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.” UNEP kêu gọi thực hiện những thay đổi sâu rộng và thực sự mang tính hệ thống trong các lĩnh vực năng lượng, thực phẩm, giao thông và xây dựng nhà ở với quy mô và tốc độ chưa từng có.

Cơ quan này cho rằng những thay đổi chính sách, đặc biệt là ở các quốc gia có mức tiêu thụ tài nguyên cao, có thể giúp giảm 30% mức tăng tiêu thụ tài nguyên dự báo, giảm 80% lượng khí thải nhà kính và giúp cải thiện sức khỏe của con người, trong khi vẫn cho phép tăng trưởng kinh tế.

UNEP cũng đề xuất những biện pháp cụ thể như thay đổi chế độ ăn uống để giảm lãng phí thực phẩm và giảm lượng protein động vật, xây dựng hệ thống giao thông và nhà ở hiệu quả hơn bằng cách sử dụng vật liệu tái chế.

Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, nơi cần nhiều tài nguyên hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống, UNEP đặt ra mục tiêu tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích