Tiêu dùng xanh – Xu hướng tất yếu cho phát triển bền vững

Tiêu dùng xanh là xu hướng không thể đảo ngược, ngày càng lan rộng. Ảnh minh họa

Xu hướng tiêu dùng xanh toàn cầu

Trước những thách thức môi trường toàn cầu, tiêu dùng xanh đã trở thành một phần quan trọng trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên khắp thế giới. Theo ThS Nguyễn Thị Nguyệt Minh, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp, khảo sát của Kantar – Tập đoàn toàn cầu về nghiên cứu thị trường, cung cấp dữ liệu và insight, sau đại dịch COVID-19 cho thấy, 57% người tiêu dùng trên toàn cầu sẵn sàng ngừng mua các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường. Thêm vào đó, báo cáo của Accenture PLC – Công ty tư vấn quản lý chuyên cung cấp dịch vụ chiến lược, tư vấn, kỹ thuật số, công nghệ và hoạt động cho thấy, 60% người tiêu dùng mong muốn chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, phản ánh một xu hướng không thể đảo ngược.

Các chuyên gia nhận định rằng việc sử dụng sản phẩm xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn nâng cao chất lượng sống. Đặc biệt, theo khảo sát của World Bank, 71% người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ sẵn sàng chi tiêu vào các sản phẩm “xanh”, “không gây hại môi trường”.

Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng xanh cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen, có đến 86% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm từ những thương hiệu có cam kết trách nhiệm với xã hội và môi trường. Con số này cao hơn so với mức trung bình 76% của khu vực Đông Nam Á, cho thấy ý thức tiêu dùng xanh ở Việt Nam đang dần trở thành thói quen.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có cam kết bảo vệ môi trường cũng tác động mạnh mẽ đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt. Báo cáo của chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh năm 2021 cho thấy doanh số bán hàng tại các hệ thống siêu thị Co.opMart tăng từ 50%-60% trong tháng triển khai chương trình, minh chứng cho sức hút của sản phẩm xanh.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất xanh

Trước xu hướng tiêu dùng xanh, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường. ThS Nguyễn Thị Nguyệt Minh nhận định, nhiều doanh nghiệp Việt đang chú trọng sử dụng nguyên liệu tự nhiên, không độc hại và đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này là Công ty TNHH Long An. Công ty đã phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP, từ cây ăn trái như chuối, bưởi, sầu riêng đến chăn nuôi bò. Với quy trình sản xuất khép kín và tuân thủ hơn 140 tiêu chí an toàn thực phẩm, Long An đã thành công trong việc xuất khẩu chuối Fohla sang thị trường Nhật Bản.

Tương tự, Heineken Việt Nam cũng là một doanh nghiệp tiêu biểu trong quá trình xanh hóa. Doanh nghiệp này đã thực hiện nấu bia bằng 100% năng lượng tái tạo tại 5/6 nhà máy, đồng thời tái chế 99% chất thải từ quy trình sản xuất. Nhờ vào những cải tiến này, Heineken không chỉ góp phần giảm thiểu khí thải CO2 mà còn mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương.

Unilever Việt Nam cũng đang đi đầu trong việc giảm sử dụng nhựa nguyên sinh và chuyển sang các giải pháp bao bì tái chế. Doanh nghiệp này đã giảm 55% nhựa nguyên sinh trong sản phẩm, và 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever hiện có thành phần phân hủy sinh học. Hơn nữa, Unilever đang đặt mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ, hướng tới phát triển bền vững toàn diện.

Ngành dệt may, một trong những ngành công nghiệp lớn nhất Việt Nam, cũng đang chuyển mình theo hướng xanh hóa. Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam”. Mục tiêu của dự án là cải thiện quản lý nước và năng lượng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng xanh để đầu tư vào công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

Trong ngành công nghiệp ô tô, VinFast, thành viên của Tập đoàn Vingroup, đã ra mắt dòng xe ô tô điện, góp phần quan trọng vào xu hướng sản xuất xanh. Với các dòng xe thân thiện với môi trường, VinFast đang định hình lại tương lai giao thông tại Việt Nam và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Sản xuất xanh không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp là việc đầu tư vào công nghệ và máy móc hiện đại, đòi hỏi chi phí không nhỏ.

Để thúc đẩy sản xuất xanh, cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Chính phủ cần ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích sản xuất xanh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà nước sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững trong tương lai.

Xu hướng tiêu dùng xanh đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự chuyển mình của các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, sự thay đổi này không chỉ phản ánh qua hành vi tiêu dùng của người dân mà còn được thể hiện rõ qua các chiến lược sản xuất của doanh nghiệp. Sản xuất xanh không chỉ là xu thế mà còn là chìa khóa giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích