Tiêu chuẩn xanh đẩy mạnh xuất khẩu bền vững

Biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Nguyên nhân chính được ghi nhận là do lượng phát thải khí nhà kính không có xu hướng giảm trong những năm qua. Nếu tình trạng này còn gia tăng, nó sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ảnh hưởng tiêu cực đối với tự nhiên và con người.

Việc siết chặt các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải hướng đến phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính đang nhanh chóng chuyển từ một lựa chọn tự nguyện thành yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ và EU.

Các thị trường này đang ngày càng siết chặt quy định về môi trường, yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn về phát thải carbon theo mức độ tương đương với Châu Âu. Nếu vượt quá, doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu “thuế” phát thải. Điều này nhằm đảm bảo sự công bằng đối với nhà sản xuất của Châu Âu. Phương thức này cũng đang được triển khai ở Mỹ và sắp tới là Anh, Australia…

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn tiếp cận và duy trì thị phần tại các thị trường này sẽ phải thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng bền vững hơn, phát thải thấp hơn.

Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia dẫn chứng, đối với cơ chế CBAM (EU Carbon Border Adjustment Mechanism) – đây là cơ chế điều chỉnh carbon biên giới mà EU đang xây dựng. Theo đó, các nhà nhập khẩu hàng hóa vào EU sẽ phải mua chứng chỉ carbon để bù đắp cho lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất hàng hóa đó. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, buộc họ phải tìm cách giảm thiểu phát thải để giảm thiểu chi phí.

Người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc bền vững. (Ảnh minh họa)

Hay tại Mỹ, nước này cũng đang ngày càng siết chặt các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu. Nhiều bang của Mỹ đã ban hành các luật yêu cầu cơ quan chính phủ chỉ được mua các sản phẩm có nguồn gốc bền vững.

Cũng theo ông Dũng, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến các sản phẩm có nguồn gốc bền vững, thân thiện với môi trường. Điều này tạo ra áp lực lên các doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các doanh nghiệp trong ngành như dệt may, thủy sản, điện tử… đã có những hành động rất quyết liệt đối với hoạt động này. Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đầu tư vào các công nghệ mới để giảm thiểu lượng nước thải và hóa chất trong quá trình sản xuất, đồng thời chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu tái chế.

Các doanh nghiệp thủy sản đang được khuyến khích áp dụng phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường. Các doanh nghiệp điện tử đang phải đối mặt với yêu cầu về việc thu hồi và tái chế các sản phẩm cũ, giảm thiểu chất thải điện tử;…

Việc giảm phát thải khí nhà kính không chỉ là yêu cầu của thị trường xuất khẩu mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các thị trường mới và xây dựng thương hiệu bền vững.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích