Tiêu chuẩn Sedex-SMETA về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện tiêu chuẩn Sedex-SMETA. Ảnh minh họa.

Tiêu chuẩn Sedex-SMETA là viết tắt của cụm từ tiếng anh “Sedex Members Ethical Trade Audit”. Sedex-SMETA là tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội được sử dụng phổ biến trên thế giới hiện nay. Tiêu chuẩn này không chỉ tập trung vào các yêu cầu về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội mà còn đảm bảo tính minh bạch và trung thực trong quản lý chuỗi cung ứng.

Theo đó, tiêu chuẩn Sedex-SMETA bao gồm một số nội dung như sau: Thứ nhất là yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý rõ ràng và hiệu quả. Điều này bao gồm việc lập kế hoạch nguồn lực, thiết lập chiến lược, chính sách, quy tắc, hướng dẫn, quy trình và thủ tục để thực hiện các hoạt động quản lý và triển khai kế hoạch kinh doanh.

Thứ hai là cấm sử dụng lao động cưỡng bức hoặc bị ép buộc. Người lao động không phải nộp tiền cọc hoặc giấy tờ tùy thân và được tự do thôi việc khi có lý do hợp lý.

Thứ ba là bảo vệ quyền tự do của người lao động. Người lao động có quyền tham gia các hiệp hội công đoàn theo sự lựa chọn của mình để đảm bảo quyền lợi và điều kiện lao động tốt hơn.

Thứ tư là vấn đề sức khỏe và an toàn, đặt mục tiêu xây dựng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động. Các doanh nghiệp cần loại bỏ yếu tố nguy hại và đảm bảo sự an toàn trong môi trường làm việc. Nhân viên cần được đào tạo định kỳ về an toàn sức khỏe và có năng lực phù hợp khi sử dụng các thiết bị hoặc hóa chất nguy hiểm.

Thứ năm là nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt là lao động dưới 18 tuổi. Trường hợp có sự tham gia của lao động trẻ, doanh nghiệp cần sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe và không bắt nhân sự trẻ làm việc quá mức.

Thứ sáu, mức lương cơ bản của người lao động phải tuân thủ quy định của luật lao động và đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Phụ nữ mang thai cần được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ theo quy định của luật lao động và bảo hiểm xã hội.

Thứ bảy, doanh nghiệp phải đảm bảo về giới hạn giờ làm việc sao cho phù hợp với quy định của mỗi quốc gia. Doanh nghiệp không được yêu cầu người lao động làm việc quá 48 tiếng/ tuần (ngoại trừ trường hợp tăng ca) và phải đảm bảo người lao động được nghỉ ít nhất 1 ngày trong tuần.

Thứ tám là đề cao tính công bằng. Doanh nghiệp không được phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng, cung cấp phúc lợi, đào tạo, thăng chức, chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ hưu. Việc phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo, độ tuổi, giới tính,… không được chấp nhận.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn Sedex-SMETA cũng đề cập đến một số vấn đề khác như môi trường, đạo đức kinh doanh,… Tại Việt Nam, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã và đang áp dụng tiêu chuẩn Sedex-SMETA, cũng là minh chứng cho đạo đức kinh doanh và trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp. 

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích