Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13976:2024 yêu cầu kỹ thuật, ghi nhãn sơn nhôm

Sơn nhôm (aluminum paint) là loại sơn đóng rắn nhờ phản ứng ôxi hóa, gồm hai loại: Loại đã trộn sẵn với vảy nhôm dạng khô hoặc paste nhôm với nhựa vecni gốc dầu và loại bao gồm hai thành phần đựng trong bình chứa riêng và chỉ trộn chung khi sử dụng.

Hiện nay sơn nhôm được ứng dụng rộng rãi trên các sản phẩm bằng nhôm nhằm tăng tính thẩm mỹ và bảo vệ bề mặt vật liệu, chống bong tróc, tĩnh điện, chống thấm… Sơn có thể dùng trong nhiều công trình nội thất, ngoại thất linh hoạt. Với những bề mặt vật liệu chịu tác động ăn mòn khắc nghiệt từ môi trường như môi trường nhà xưởng, môi trường ven biển.

Để đảm bảo sơn trên nhôm đảm bảo yếu tố kỹ thuật cao, không xảy ra sự cố như: bong tróc, nhám, chảy, nứt chân chim màng sơn… cần đảm bảo các yếu tố xử lý bề mặt nhôm trước khi thi công để loại bỏ bụi bẩn, dầu mỡ, lớp sơn cũ (nếu có). Sử dụng đúng sơn chuyên dụng cho chất liệu nhôm. Tuân thủ quy định pha chế và hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất. Đảm bảo các yếu tố kỹ thuật sơn đều tay, sử dụng súng phun sơn/chổi cọ đúng quy cách.

Xong một thực tế hiện nay thị trường sơn kém chất lượng bán tràn lan gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng. Do đó khi sản xuất sơn nhôm nên đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13976:2024 yêu cầu kỹ thuật, ghi nhãn sơn nhôm do Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Tiêu chuẩn này áp dụng cho sơn nhôm được dùng chủ yếu ở ngoài trời, tạo lớp phủ màu bạc với mục đích chính là phản xạ bức xạ năng lượng mặt trời, chống thấm.

Sơn nhôm giúp vật liệu luôn bền đẹp nhưng phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn. Ảnh minh họa

Yêu cầu kỹ thuật đối với sơn nhôm phải đáp ứng các mức chỉ tiêu cụ thể: Trạng thái sơn trong thùng chứa phải đạt mức khi khuấy sơn sẽ đồng nhất, không vón cục; Khối lượng riêng từ 0,95 ÷ 1,10 g/cm khối; Hàm lượng chất không bay hơi yêu cầu ở mức không nhỏ hơn 45%; Đặc tính thi công yêu cầu phải dễ dàng sơn; Thời gian khô bề mặt yêu cầu là không lớn hơn 16 h; Ngoại quan màng sơn không có biểu hiện khác thường trên bề mặt màng sơn; Độ bóng không nhỏ hơn 90%; Độ bền uốn trục 10mm yêu cầu bề mặt màng sơn không bị rạn nứt, bong tróc; Độ bền nước sau 18 h bề mặt màng sơn không có dấu hiệu bất thường; Độ bền thời tiết gia tốc, sau 240 h yêu cầu bề mặt màng sơn không bị phồng rộp, bong tróc và thay đổi màu sắc so với mẫu đối chứng; Độ bền phơi nhiễm ngoài trời, sau 12 tháng bề mặt màng sơn không bị phồng rộp, bong tróc và thay đổi màu sắc so với mẫu đối chứng.

Về kiểm soát chất lượng, sơn nhôm phải đạt mức yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, với chỉ tiêu độ bền phơi mẫu ngoài trời thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm trong thời gian dài theo TCVN 9761 (ISO 2810) đối với sản phẩm đã được sản xuất trong quá khứ, khi kết quả thử nghiệm chỉ tiêu “Độ bền phơi mẫu ngoài trời” đạt yêu cầu, thì sản phẩm hiện tại mới phù hợp.

Đặc biệt, đối với sơn nhôm trên bao bì sản phẩm cần phải ghi nhãn bằng chất liệu bền, khó xóa với các thông tin sau: Tên sản phẩm; Thể tích thực hoặc khối lượng tinh; Tên hoặc tên viết tắt của nhà sản xuất; Ngày hoặc viết tắt của ngày sản xuất; Số hiệu sản xuất hoặc số lô; Ký hiệu phân loại cấp độ phát tán formaldehyt. Lưu ý khi áp dụng cho các sản phẩm ứng với mức độ phát tán từ cấp 4, cấp 3 và cấp 2. 

Sơn phải bảo quản trong kho kín, khô ráo, xa nguồn lửa. Chế độ và thời gian bảo quản phải được ghi rõ trong tài liệu yêu cầu kỹ thuật cho mỗi loại sơn. Khi chuyên chở trên tàu hỏa, ô tô không có mui, phải có phương tiện che mưa nắng…

An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích