Tiêu chuẩn khẳng định vai trò tạo dựng sự ổn định, phục hồi và hướng đến phát triển bền vững
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đại diện một số địa phương cũng như doanh nghiệp đã có những tham luận liên quan đến vấn đề về tiêu chuẩn.
Tham luận về viễn cảnh tiêu chuẩn hóa quốc tế, bà Vũ Thị Tú Quyên – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, trong phiên họp Đại hội đồng ISO diễn ra vừa qua thông qua hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp, Đại hội đồng ISO có chủ đề là Tương lai đã bắt đầu.
Suốt 74 năm qua, tổ chức ISO đã tạo ra những giá trị cho toàn thế giới thông qua số lượng hơn 23.500 tiêu chuẩn được xây dựng. Từ năm 2021, ISO thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng mục tiêu của Liên hợp quốc và cam kết giảm thiểu, khắc phục biến đổi khí hậu thông qua Tuyên bố Luân Đôn được công bố vào 24/9/2021 trước toàn thể Đại hội đồng ISO.
Cũng theo bà Quyên, trong viễn cảnh tương lai năm 2040 về tiêu chuẩn hóa, tiêu chuẩn được viết bởi trí tuệ nhân tạo, không phải là tài liệu cố định mà được cập nhật liên tục, bên cạnh đó, tiêu chuẩn được cung cấp trong môi trường đa dạng và đáp ứng các yêu cầu viễn tưởng…
Tham luận về định hướng hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đến năm 2030, ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục TCĐLCL nhận định, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với trên 1300 TCVN (trên 60% hài hòa Tiêu chuẩn quốc tế, khu vực), trên 800 QCVN và 30 QCĐP cho thấy vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Văn Khôi – Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn
Ông Khôi cũng cho biết về định hướng xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030. Trong đó, thứ nhất, nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng tận dụng tối đa các thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, tạo lập hạ tầng tiêu chuẩn tiên tiến, tiếp cận các tiêu chuẩn mới nhất phục vụ cộng đồng doanh nghiệp đi tắt đón đầu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ hai, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm: Xây dựng các nhóm TCVN cốt lõi phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ bản hỗ trợ, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp xây dựng TCVN nhằm hướng hệ thống TCVN gắn kết hữu cơ hơn với nền kinh tế thị trường, đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường nguồn lực cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia. Trong đó, đổi mới hoạt động Ban Kỹ thuật TCVN, cải tiến xây dựng, thẩm định, công bố TCVN. Tăng cường áp dụng các công cụ, giải pháp CNTT vào hoạt động ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gắn kết với Ban Kỹ thuật của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế; Đẩy mạnh biện pháp bảo về bản quyền TCQT, xuất bản phát hành TCVN; Tăng cường hợp tác đa phương, khu vực và song phương, đào tạo đội ngũ chuyên gia trẻ về tiêu chuẩn hóa để chuẩn bị lực lượng kế cận.
Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, đại diện phía địa phương, bà Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm qua tỉnh đã áp dụng các tiêu chuẩn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ của địa phương. Tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều hỗ trợ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông sản, để phục vụ cho xuất khẩu.
Việc áp dụng tiêu chuẩn đối với lĩnh vực nông nghiệp đã mang lại nhiều giá trị gia tăng. Điển hình, áp dụng tiêu chuẩn ISO đã nâng cao giá trị của doanh nghiệp lên 20%, hay doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, việc áp dụng tiêu chuẩn ISO trong cơ quan hành chính đã đưa chất lượng dịch vụ công phục vụ yêu cầu của người dân ngày càng cao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số hóa, hội nhập ngày càng sâu và đại dịch covid-19, Lâm Đồng cũng đang gặp một số những khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông sản và du lịch. Việc áp dụng tiêu chuẩn cũng cần cách thức mới để hiệu quả hơn, đặc biệt đối với nông sản cần áp dụng các tiêu chuẩn cũng như ứng dụng truy xuất nguồn gốc để có thể xuất khẩu sản phẩm qua các thị trường quốc tế.
Trước những thuận lợi và khó khăn, tỉnh Lâm Đồng mong muốn nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục TCĐLCL để tỉnh có thể áp dụng hiệu quả, tổ chức hoạt động tiêu chuẩn hóa tại đại phương tốt hơn.
Về phía doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Hồng Vân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa chia sẻ, là đơn vị dẫn đầu cả nước, khu vực châu Á về quản lý số lượng hang đảo và sản lượng khai thác yến sào đảo thiên nhiên và là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất chế biến sản phẩm nước giải khát bổ dưỡng cao cấp có nguồn gốc từ yến sào thiên nhiên Khánh Hòa, Sanvinest Khánh Hòa luôn tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong nhiều năm qua, Sanvinest Khánh Hòa đã đưa hơn 40 dòng sản phẩm ra thị trường và luôn được người tiêu dùng, khách hàng tin tưởng, yêu mến và ủng hộ.
Đây là động lực to lớn giúp doanh nghiệp cống hiến nhiều hơn nữa để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, khách hàng nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách của tỉnh và Nhà nước, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Bên cạnh đó, hiện Công ty cũng gặp một số khó khăn và vướng mắc trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đặc biệt là sự gian lận, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ các loại yến sào đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu Yến sào Khánh Hòa, đặc biệt là thương hiệu Sanest Sanvinest.
Nguyên nhân chính là do hiện vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, công ty đề xuất Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần có các tiêu chuẩn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc để tăng thêm sự minh bạch đối với sản phẩm yến sào trên thị trường hiện nay.
“Là một trong những doanh nghiệp Nhà nước hàng đầu cả nước trong việc khai thác và chế biến sản phẩm có nguồn gốc từ Yến sào, Công ty Yến sào Khánh Hòa sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia trong quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng Yến sào Việt Nam để quản lý tốt doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến các sản phẩm bổ dưỡng từ Yến sào”, bà Vân khẳng định.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn thế giới nhằm nâng cao nhận thức các bên liên quan về những đóng góp của tiêu chuẩn đối với các Mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, kêu gọi các bên cùng hợp tác, chia sẻ tầm nhìn chung để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó mỗi cá nhân, tổ chức phải cùng tham gia, đồng hành để đất nước có thể nhanh chóng khôi phục lại mọi thứ tốt đẹp hơn sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Lễ kỷ niệm cũng là dịp để cơ quan tiêu chuẩn quốc gia chia sẻ về định hướng phát triển hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ nay đến 2030, trong đó bao gồm: Xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường các nguồn lực tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Hà My