Tiêu chuẩn ISO về biến đổi khí hậu hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero)
Net-zero là công cụ mạnh mẽ để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. Quá trình chuyển đổi sang net-zero đưa ra một giải pháp hấp dẫn không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn cả lợi ích về kinh tế, xã hội và sức khỏe. Việc không hành động nhanh chóng và dứt khoát có thể dẫn tới nguy cơ gây ra biến đổi khí hậu thảm khốc, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng, mất đa dạng sinh học và gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và nước.
Những lý do chính lý giải vì sao việc theo đuổi mục tiêu net-zero lại quan trọng đối với cuộc sống chung của con người đó là: giải quyết khủng hoảng khí hậu; bảo vệ sức khỏe con người; thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng; bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Net-zero là gì?
Mặc dù có thể có các định nghĩa khác nhau về net-zero, nhưng định nghĩa về net-zero đã được thống nhất toàn cầu có trong Hướng dẫn về net-zero của ISO (IWA 42:2022). Theo đó, net-zero được định nghĩa là “điều kiện trong đó lượng phát thải KNK (GHG) còn lại do con người gây ra được cân bằng bằng việc loại bỏ do con người thực hiện trong một khoảng thời gian xác định và trong các ranh giới xác định”. Để đạt được sự cân bằng này là một quá trình phức tạp, liên quan đến giảm phát thải, bù đắp và công nghệ đổi mới.
Việc chuyển sang một thế giới không phát thải ròng có thể đạt được bằng cách giảm lượng khí thải tại nguồn của chúng và loại bỏ lượng khí thải còn lại thông qua bù đắp các bon. Giảm các bon là quá trình cắt giảm trực tiếp lượng khí thải thông qua hiệu quả trong khi bù đắp các bon liên quan đến việc đầu tư vào “bể chứa các bon” – tức là rừng và đại dương của chúng ta – hấp thụ CO2 để bù đắp lượng khí thải xảy ra ở những nơi khác.
Trung hòa các bon và net-zero có lợi gì cho doanh nghiệp?
Net-zero có giống như trung hòa các bon không? Các doanh nghiệp thường nói về việc trở thành “trung hòa các bon”. Điều đó có nghĩa là họ đang thực hiện các bước để loại bỏ lượng CO2 tương đương với lượng khí thải ra thông qua các hoạt động trong chuỗi cung ứng của họ. Hoạt động này được gọi là bù đắp và cho phép các tổ chức tiếp tục kinh doanh với một lương tâm tốt.
Net-zero vượt ra ngoài trung hòa các bon, nó bao gồm tất cả các KNK, bao gồm khí mê-tan (CH4), oxit nitơ (N2O) và các hydrofluoro các bon khác, có xu hướng giữ nhiệt nhiều hơn các bon dioxit. Nó bao gồm các mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, thay đổi một cách hệ thống giữa các ngành và tích cực loại bỏ phát thải. Bằng cách áp dụng tư duy net-zero, chúng ta có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững, đảm bảo khả năng phục hồi khí hậu và tạo cơ hội đổi mới, việc làm xanh và thịnh vượng kinh tế.
Tại sao cần hướng tới mục tiêu net-zero?
Khí thải do hành động của con người thải ra đang gây thiệt hại cho hành tinh của chúng ta và đẩy chúng ta tiến xa hơn tới một cuộc khủng hoảng khí hậu không thể đảo ngược. Các mục tiêu net-zero mang tính chuyển đổi, đặc biệt khi được dẫn dắt bởi các chính phủ trên toàn thế giới, có thể giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ xuống 1,5°C vào năm 2050.
Đạt được lượng khí thải các bon ròng bằng không không chỉ là một yêu cầu cấp thiết về môi trường; nó cũng mang đến những cơ hội đáng kể cho các tổ chức thuộc mọi quy mô. Bao gồm việc tiết kiệm chi phí từ sử dụng hiệu quả năng lượng, nâng cao uy tín thương hiệu và phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng và nhà đầu tư đối với các hoạt động bền vững.
Các doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào từ net-zero
Nhiều doanh nghiệp ngày nay đang theo đuổi các mục tiêu net-zero, cố gắng đạt được lượng khí thải các bon bằng 0 trong hoạt động của mình. Điều này liên quan đến sự kết hợp giữa giảm phát thải trực tiếp thông qua hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, giảm gián tiếp thông qua các dự án bù đắp các bon. Bằng cách hiểu đầy đủ về ý nghĩa của net-zero và áp dụng nó vào hoạt động của mình, các doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chống BĐKH và điều đó cũng có ý nghĩa với cả khía cạnh lợi nhuận.
Các tòa nhà net-zero là một ví dụ về cách các doanh nghiệp có thể hướng tới những mục tiêu này. Các doanh nghiệp hàng đầu đang cắt giảm lượng khí thải trong suốt vòng đời của các tòa nhà mà họ sở hữu và vận hành. Điều này có thể được thực hiện theo 2 cách: bằng cách trang bị thêm các cấu trúc hiện có và đảm bảo các cấu trúc mới tạo ra lượng khí thải thấp. Những tòa nhà này được thiết kế để tạo ra lượng năng lượng tương đương với mức tiêu thụ trong suốt 1 năm, do đó đạt được mức tiêu thụ năng lượng bằng 0 và trong nhiều trường hợp, lượng khí thải các bon bằng 0.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, khái niệm net-zero Internet cũng đang xuất hiện. Điều này đề cập đến khái niệm đạt được trung hòa các bon hoặc lượng khí thải ròng bằng 0 trong hoạt động và sử dụng Internet và công nghệ kỹ thuật số. Nó nhằm mục đích giảm thiểu tác động môi trường liên quan đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, trung tâm dữ liệu, mạng viễn thông và mức tiêu thụ năng lượng tổng thể đang phát triển nhanh chóng của Internet.
Hướng dẫn về Net-zero của ISO
Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập, ngày 11/11/2022, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố hướng dẫn toàn cầu mới gồm các nguyên tắc hướng dẫn để đạt được net-zero.
Những nguyên tắc này đưa ra lộ trình cho các tổ chức, bao gồm cả các doanh nghiệp, trên hành trình hướng tới mức phát thải các bon ròng bằng 0. Hướng dẫn net-zero cung cấp các định nghĩa chung, nguyên tắc cấp cao và hướng dẫn có thể hành động để đạt được net-zero vào năm 2050. Tài liệu hướng dẫn cũng giúp các thực thể đưa ra tuyên bố đáng tin cậy và phát triển các báo cáo nhất quán về lượng khí thải, giảm thiểu và loại bỏ.
Các yếu tố chính đề cập trong hướng dẫn bao gồm:
Giảm phát thải: giảm phát thải tại nguồn là cách hiệu quả nhất để đạt được net-zero. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cải thiện hiệu quả năng lượng, chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo và đổi mới quy trình để giảm chất thải.
Bù đắp các bon: đối với lượng khí thải không thể loại bỏ, bù đắp các bon là một giải pháp khả thi. Chúng liên quan đến việc đầu tư vào các dự án loại bỏ hoặc giảm KNK trong khí quyển.
Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình: giám sát và báo cáo thường xuyên về phát thải KNK là rất quan trọng đối với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp xác định các khu vực cần cải thiện và theo dõi tiến độ hướng tới các mục tiêu net-zero của họ.
Sự tham gia của các bên liên quan: sự tham gia của các bên liên quan – nhân viên, khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng rộng lớn hơn – là chìa khóa để thực hiện thành công chiến lược net-zero. Điều này thúc đẩy văn hóa bền vững và thúc đẩy hành động tập thể hướng tới giảm phát thải.
Công bằng và công lý: hướng dẫn về net-zero phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hành động khí hậu có tính đến gánh nặng và lợi ích của BĐKH và đảm bảo rằng các đáp ứng, kể cả trách nhiệm về chi phí, được chia sẻ một cách công bằng, bảo vệ quyền của những người dễ bị tổn thương nhất.
Tại sao phải có tiêu chuẩn ISO về biến đổi khí hậu?
Hướng dẫn về net-zero giúp mang lại sự rõ ràng nhưng cũng chỉ ra các tiêu chuẩn khác hiện có. Ví dụ, Hướng dẫn bổ sung hữu ích cho bộ tiêu chuẩn về môi trường ISO 14000. Hơn nữa, chúng đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho các tổ chức đặt mục tiêu net-zero bằng cách giúp sắp xếp tất cả các mảng nỗ lực khác nhau hiện có. Hướng dẫn về net-zero cũng cho phép một cách tiếp cận nhất quán hơn để phát triển các sáng kiến và sản phẩm bàn giao trong tương lai, bao gồm cả các tiêu chuẩn. Ví dụ điển hình là: ISO 14090:2019 Thích ứng với BĐKH; ISO 14064-1:2018 KNK; ISO/FDIS 14068 Quản lý KNK và quản lý BĐKH và các hoạt động liên quan.
Vì mục tiêu hạn chế khí hậu
Việc hướng tới mục tiêu net-zero là không thể phủ nhận, mang đến một cơ hội tuyệt vời để bảo vệ hành tinh, bảo vệ sức khỏe con người, thúc đẩy sự thịnh vượng về kinh tế và đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ sau này. Chúng ta phải cùng nhau cam kết thực hiện sứ mệnh này, thực hiện hành động táo bạo và quyết đoán để chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng không. Bằng việc tuân thủ theo Hướng dẫn về net-zero của ISO, chúng ta không chỉ hoàn thành nghĩa vụ đạo đức mà còn tạo tiền đề cho một thế giới sạch hơn, lành mạnh hơn và kiên cường hơn.
ThS Bùi Ngọc Bích – Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam