Tiêu chuẩn ISO 50001 – Công cụ quản lý năng lượng hữu ích giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững
Tìm hiểu về tiêu chuẩn ISO 50001
ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành vào tháng 6 năm 2011 nhằm hỗ trợ cải tiến trong việc sử dụng năng lượng áp dụng cho mọi loại hình tổ chức, không phụ thuộc quy mô hay hoạt động, nhà nước hay tư nhân và vị trí địa lý. Nội dung của ISO 50001 bao gồm quy định và các yêu cầu cần thiết để lập kế hoạch, thực hiện, duy trì và liên tục cải thiện hệ thống quản lý năng lượng (EnMS). Cách tiếp cận này lần lượt cho phép tổ chức ghi lại, xem xét, kiểm toán, phân tích và tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống quản lý năng lượng một cách có hệ thống, có tính đến các số liệu cụ thể như hiệu quả năng lượng, mức tiêu thụ năng lượng và sử dụng năng lượng.
Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) tương ứng tiêu chuẩn ISO 50001 cũng đã được xây dựng và ban hành bao gồm: Bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 50001:2012 (ban hành năm 2012), TCVN ISO 50001:2019 (ban hành năm 2019).
Nội dung của ISO 50001 bao gồm quy định và các yêu cầu cần thiết để lập kế hoạch, thực hiện, duy trì và liên tục cải thiện hệ thống quản lý năng lượng (EnMS). Ảnh minh họa
Tiêu chuẩn ISO 50001 giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 10%-30% mức năng lượng tiêu thụ
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp công nghiệp (DNCN) Việt Nam đang rất quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) và giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên việc thực hiện vẫn còn hạn chế do các DN này còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về cách thức thực hiện, đặc biệt là các giải pháp tiếp cận mang tính hệ thống liên quan đến hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 50001 và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng năng lượng chính trong các ngành công nghiệp. Các giải pháp được phần lớn các DNCN thực hiện trong thời gian vừa qua là những giải pháp đơn giản, tập trung vào từng thành phần riêng rẽ của các hệ thống sử dụng năng lượng chính như nồi hơi, máy nén, chiller, tủ lạnh, mô-tơ, máy bơm,…để cải thiện hiệu suất năng lượng khoảng từ 2%-5%. Trong khi đó, có rất ít DNCN thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo hướng tiếp cận như hệ thống QLNL, tối ưu hóa hệ thống và phân tích chi phí thiết bị sử dụng năng lượng theo vòng đời, đây là những giải pháp có thể giúp các DNCN tiết kiệm được mức năng lượng cao hơn từ 10%-30%.
Với việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng theo ISO 50001, các hoạt động TKNL sẽ được tích hợp vào hệ thống quản lý của các DNCN để đẩy nhanh việc áp dụng các cách thức thực hành tốt nhất về hiệu quả năng lượng bền vững, giúp cải thiện độ ổn định của hoạt động sản xuất công nghiệp và tăng năng suất.
Yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn ISO mới này sẽ mang lại động cơ cần thiết thúc đẩy các DNCN không ngừng quan tâm đến hiệu quả sử dụng năng lượng của các quy trình/bộ phận sử dụng năng lượng lớn của họ và sẽ cung cấp cho các DNCN một cơ cấu và quy trình quản lý để liên tục cải thiện hiệu quả năng lượng một cách toàn diện. Thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng, các hoạt động quản lý năng lượng sẽ được tích hợp vào chu trình quản lý và giúp hiện thực hóa các cơ hội cải thiện hiệu suất năng lượng một cách liên tục.
Việt Nam đã có 74 đơn vị đăng ký và áp dụng tiêu chuẩn ISO 50001. Có thể kể đến như: Công ty Diesel Sông Công, Công ty Vinamilk, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty Sản xuất thức ăn chăn nuôi CP, Công ty CP lương thực thực phẩm Colusa-MILIKET, Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai, các công ty thuộc Tập đoàn Prime…
Hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 đang dần trở thành xu thế trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. ISO 50001 thực sự là một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, để khuyến khích áp dụng rộng rãi hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001 thì cần những hỗ trợ từ phía các cơ quan nhà nước nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về sự cần thiết và lợi ích của tiêu chuẩn ISO 50001. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc tuân thủ các nghĩa vụ về tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, trong đó có nghĩa vụ về áp dụng hệ thống QLNL. Đồng thời, có các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đã áp dụng tiêu chuẩn này được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi về tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tham gia các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật.
Khánh Mai (t/h)