Tiêu chuẩn GRS về tái chế toàn cầu giúp xây dựng uy tín doanh nghiệp
Hiện nay, tiêu chuẩn là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá một quy trình bền vững. Trong đó, Global Recycled Standard (GRS) là một trong những tiêu chuẩn bền vững phổ biến thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến.
Cụ thể, Global Recycled Standard (GRS) là tiêu chuẩn tái chế toàn cầu dùng để theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong sản phẩm cuối cùng và đảm bảo các yêu cầu sản xuất nghiêm ngặt. Các tiêu chuẩn GRS bao gồm quá trình gia công, sản xuất, đóng gói, dán nhãn, kinh doanh và phân phối sản phẩm được làm từ tối thiểu 20% vật liệu tái chế.
Các điểm chính của tiêu chuẩn GRS bao gồm: Xác minh vật liệu tái chế – Vật liệu được xác minh để đáp ứng định nghĩa của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) về tái chế; Sản xuất có trách nhiệm – Sản xuất theo tiêu chuẩn GRS bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội. Các hóa chất có khả năng gây hại không được phép sử dụng trên các sản phẩm GRS;
Quản lý chuỗi cung ứng – Chứng nhận GRS đảm bảo minh bạch nguồn gốc của vật liệu tái chế từ người tái chế đến sản phẩm cuối cùng; Chứng nhận đáng tin cậy – Tổ chức chứng nhận bên thứ ba chuyên nghiệp sẽ kiểm tra từng giai đoạn trong chuỗi cung ứng;
Xây dựng uy tín – Các sản phẩm đáp ứng tất cả yêu cầu có thể được dán nhãn với biểu tượng GRS; Sự giám sát của các bên liên quan – GRS được quản lý với đầu vào của các nhà tái chế, nhà cung cấp, nhà bán buôn và nhà bán lẻ từ mọi nơi trên thế giới.
Tiêu chuẩn GRS áp dụng cho các tổ chức muốn xác minh thành phần tái chế của sản phẩm (cả thành phẩm và bán thành phẩm) cũng như để xác minh các hoạt động xã hội, môi trường và hóa chất có trách nhiệm trong sản xuất. GRS được phát triển với ngành công nghiệp dệt, may, phụ kiện, công đoạn sản xuất hàng may mặc, các sản phẩm tái chế như nhựa, nhôm,… Tiêu chuẩn tái chế toàn cầu GRS cũng được áp dụng cho các sản phẩm từ bất kỳ ngành công nghiệp nào.
Mai Phương