Tiêu chuẩn GMP mang sản phẩm chất lượng cao đến người tiêu dùng

GMP (viết tắt của Good Manufacturing Practices) là hệ thống tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn cho sản xuất. GMP bao gồm các nguyên tắc chung, quy định, hướng dẫn các nội dung cơ bản về điều kiện sản xuất; áp dụng cho các cơ sở sản xuất, gia công, đóng gói thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm…

Tiêu chuẩn GMP mang sản phẩm chất lượng cao đến người tiêu dùng. (Ảnh minh họa)

Trong ngành dược, tiêu chuẩn GMP mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho doanh nghiệp, có thể kể đến như: Giúp chứng minh cam kết đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và kinh doanh thực phẩm; Hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị cho hệ thống quản lý chất lượng để đạt chứng nhận HACCP;

Tăng cường niềm tin và uy tín từ phía khách hàng và người tiêu dùng. Từ đó, doanh nghiệp dễ dàng xuất khẩu sản phẩm đến những thị trường khó tính; Giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao hơn với các sản phẩm ngoại nhập, đặt yếu tố an toàn và chất lượng lên hàng đầu;

Hỗ trợ doanh nghiệp khi phải đối mặt với sự đánh giá từ cơ quan có thẩm quyền hoặc các bên liên quan, đảm bảo rằng mọi quy trình đều tuân thủ và đạt các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bên cạnh đó, GMP còn mang lại lợi ích đối với người tiêu dùng, cụ thể: Người tiêu dùng nhận được sản phẩm chất lượng cao và đáng tin cậy từ doanh nghiệp tuân thủ GMP; Người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao từ nhiều nguồn.

Các chuyên gia đánh giá, việc tuân thủ tiêu chuẩn GMP trong ngành dược là vô cùng quan trọng với nhiều lý do chính:

Thứ nhất là ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thương hiệu: Việc nhận biết sản phẩm có an toàn hay không thường không dễ dàng đối với người tiêu dùng. Do đó, việc tuân thủ GMP không chỉ đảm bảo sản phẩm đáng tin cậy mà còn bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm không đạt chất lượng có thể ảnh hưởng lớn đến uy tín của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Thứ hai là nguy cơ bị thu hồi sản phẩm: Nếu không tuân thủ GMP, doanh nghiệp có thể bị thu hồi sản phẩm. Việc này không chỉ làm mất thời gian và tiền bạc mà còn gây mất mát lớn về nguồn lực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc thu hồi sản phẩm có thể lan rộng trong trường hợp một lô sản phẩm, ảnh hưởng đến toàn bộ sản phẩm khác nếu chúng đang được sản xuất dưới sự quản lý của cùng một nhà sản xuất không tuân thủ GMP.

Áp dụng tiêu chuẩn GMP giúp doanh nghiệp tránh được nhiều tổn thất và lãng phí trong sản xuất dược phẩm. (Ảnh minh họa)

Thứ ba là đảm bảo chất lượng thuốc: Trong ngành dược, việc sản xuất thuốc là quá trình phức tạp và đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ đầu đến cuối. Tuân thủ GMP sẽ giúp các công ty dược phẩm đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm. Việc này giúp tránh được nhiều vấn đề phổ biến như ô nhiễm, sai lệch trong quá trình sản xuất hoặc trộn lẫn.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý như Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược thường tiến hành nhiều cuộc kiểm tra GMP khác nhau. Mục tiêu của những cuộc kiểm tra này là đánh giá mức độ tuân thủ của tổ chức đối với các tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt đã được đề ra trước đó.

Các công ty sản xuất thuốc, các tổ chức nghiên cứu khác trong lĩnh vực này phải tuân thủ GMP. Điều này đồng nghĩa với việc nhân viên trong những tổ chức này cần có khả năng chứng minh đầy đủ bằng chứng, kiến thức và kỹ năng thông qua các chứng chỉ cá nhân hoặc tập thể. Trong trường hợp không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu này, có thể dẫn đến việc mất giấy phép hoặc đình chỉ sản phẩm khỏi thị trường.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích