Tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Nền tảng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế
Ảnh minh họa.
Trong những năm qua, công tác TCĐLCL tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tạo nền tảng kỹ thuật cho phát triển kinh tế. Nhờ vào TCĐLCL, các sản phẩm và hàng hóa Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia đã trở thành thước đo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và hơn 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.
Để các tiêu chuẩn đi sâu hơn nữa vào doanh nghiệp, người dân áp dụng trúng, đúng pháp luật, gần đây nhiều hội nghị phổ biến pháp luật về TCĐLCL đã được tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đây là những sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về vai trò và tầm quan trọng của TCĐLCL.
Theo đó, tại Bình Dương, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ lên kế hoạch thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, với mục tiêu đẩy mạnh công tác TCĐLCL đến năm 2030. Kế hoạch này bao gồm đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kiến thức pháp lý và chuyên môn cho các cán bộ quản lý, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL. Bên cạnh đó, Bình Dương đã tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền thông qua báo chí và tổ chức các hội nghị, hội thảo quy mô lớn để phổ biến văn bản pháp luật về TCĐLCL, như các quy định về quản lý vàng trang sức mỹ nghệ và quản lý đồng hồ nước, đồng hồ điện tại các khu nhà trọ.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật về TCĐLCL tại Bình Dương. Ảnh: baobinhduong.vn
Theo ông Lý Thái Hùng – Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL Bình Dương, việc triển khai công tác TCĐLCL thường xuyên và hiệu quả đã giúp địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các hội nghị và chương trình phổ biến pháp luật về TCĐLCL còn giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật, từ đó tạo sự công bằng, an toàn cho các giao dịch thương mại.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ, TCĐLCL cũng đóng góp tích cực vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các sản phẩm lưu thông tại Việt Nam, kể cả hàng nhập khẩu và xuất khẩu, đều phải được ghi nhãn đầy đủ, bao gồm tên hàng, xuất xứ, và thông tin nhà sản xuất. Việc quản lý nghiêm ngặt này tạo sự minh bạch, giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm.
Tại Hải Phòng, ngày 17/5, Chi cục TCĐLCL đã tổ chức hội nghị phổ biến văn bản pháp luật về TCĐLCL đến các doanh nghiệp tại khu công nghiệp. Hội nghị tập trung vào việc quản lý chất lượng sản phẩm, đo lường chính xác trong sản xuất, kinh doanh và các nguyên tắc quản lý tiêu chuẩn. Đại diện Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) cũng giới thiệu hoạt động kiểm kê khí nhà kính – một trong những chủ đề nổi bật trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh hiện nay.
Trong lĩnh vực y tế, Hải Phòng còn tổ chức các lớp tập huấn riêng cho các cơ sở khám chữa mắt và kinh doanh kính thuốc về các quy định trong đo lường y tế, như Thông tư 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về đo lường đối với phương tiện đo trong khám chữa bệnh. Sự kiện này giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cơ sở y tế, bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân và người tiêu dùng thông qua đo lường chính xác.
Tại Sơn La, Chi cục TCĐLCL đã phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bình Gia tổ chức hội nghị về các chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Hội nghị này giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh nắm bắt các quy định cơ bản về TCĐLCL góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Với định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường công tác TCĐLCL, xây dựng và cập nhật các tiêu chuẩn mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Ngày 14/10 hàng năm là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới, Việt Nam tham gia cùng cộng đồng quốc tế kỷ niệm và vinh danh nỗ lực của các tổ chức và cá nhân trong công tác tiêu chuẩn hóa. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) từ năm 1977 và tiếp tục khẳng định cam kết đồng hành trong nỗ lực xây dựng các tiêu chuẩn chung, phục vụ sự phát triển toàn cầu.
Trong tương lai, việc tăng cường đào tạo nhân lực trong lĩnh vực TCĐLCL, hợp tác giữa các ngành và địa phương, cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế và năng lực cạnh tranh trong thời đại hội nhập sâu rộng. Nhờ đó, công tác TCĐLCL sẽ tiếp tục là động lực quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.
Duy Trinh