Tiêu chuẩn BSCI – ‘tấm hộ chiếu’ cho doanh nghiệp Việt thâm nhập thị trường quốc tế

Tiêu chuẩn BSCI dùng để đánh giá và tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Tiêu chuẩn BSCI (Business Social Compliance Initiative) là bộ quy tắc dùng để đánh giá và tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh. BSCI được Hiệp hội Ngoại thương (FTA) thiết lập nhằm tạo ra quy tắc ứng xử và hệ thống giám sát về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Châu Âu.

Trong đó, trách nhiệm xã hội là cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

Thông qua việc áp dụng BSCI, doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích trong kinh doanh và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc thực hiện các điều kiện làm việc bảo đảm tại các quốc gia trong chuỗi cung ứng của mình. Có thể kể đến một số lợi ích khi áp dụng BSCI như:

Nâng cao thương hiệu với đối tác kinh doanh và cộng đồng; Mở rộng cơ hội kinh doanh, tiếp cận các thị trường mới; Tăng năng suất lao động bằng việc tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện hơn, giúp thu hút nhân tài và giữ chân nhân viên tốt hơn;

Tạo ra cơ hội tìm kiếm khách hàng tại các thị trường lớn trên thế giới nhờ thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc thực hiện điều kiện làm việc công bằng tại các quốc gia trong chuỗi cung ứng; Giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh và nâng cao giá trị doanh nghiệp trong các vấn đề xã hội, đối tác về đạo đức kinh doanh;…

Hiện nay trên thế giới đang có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp và tổ chức được cấp chứng nhận BSCI, bao gồm các nhà bán lẻ, nhà nhập khẩu và doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế hoạt động trong nhiều ngành khác nhau như dệt may, giày dép, thực phẩm, điện tử…

Tại Việt Nam, việc áp dụng BSCI còn tương đối mới nhưng trong xu thế hội nhập quốc tế thì việc sớm áp dụng BSCI là rất cần thiết. BSCI không chỉ được xem là “tấm hộ chiếu” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường quốc tế, mà còn là minh chứng cho thấy mối quan hệ lành mạnh giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần cố gắng thực hiện việc đánh giá và cải thiện điều kiện sản xuất nhằm đạt được tiêu chuẩn BSCI.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích