Tiết kiệm điện năng cho ngôi nhà khi sử dụng thiết bị thông minh
(Xây dựng) – Song song với việc nâng cao ý thức tiết kiệm điện nhằm giảm tải điện năng và góp phần bảo vệ môi trường sống. Nhiều gia đình đã tìm đến giải pháp lắp đặt tại nhà các thiết bị điện tử giúp tự động hóa hoặc bán tự động để tạo nên một ngôi nhà thông minh. Đây được xem là sự lựa chọn phù hợp với bối cảnh công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể là các giải pháp về việc lựa chọn các thiết bị thông minh và cài đặt nhiệt độ điều hòa đúng cách, người sử dụng cũng cần lưu ý điều chỉnh hướng gió để giúp tiết kiệm điện năng.
Hướng cửa gió lên cao sẽ giúp làm mát được một phần lớn hơn của căn phòng, từ đó tăng hiệu suất làm mát (Ảnh: Fujitsu). |
Trong một ngôi nhà, ngoài thiết kế thông thoáng và tận dụng lợi thế về ánh sáng sức gió từ thiên nhiên, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, điều hoà nhiệt độ tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh các giải pháp cơ bản để giảm thiểu mức tiêu hao năng lượng cho điều hoà, không ít người dùng bỏ quên, hoặc hiểu sai về lợi ích của việc điều chỉnh hướng gió – một trong những thao tác đơn giản nhưng cũng góp phần làm mát không gian nhanh hơn và tiết kiệm điện năng hơn.
Thông thường, người sử dụng hay có thói quen điều chỉnh hướng cửa gió của điều hoà xuống quá thấp, hoặc hướng trực tiếp vào vị trí ngồi để cảm nhận khí mát nhanh hơn. Tuy nhiên, theo lời khuyên của một số chuyên gia về điện tử – điện lạnh, việc điều chỉnh hướng gió như vậy chỉ có thể làm mát cục bộ tại vị trí mà nó hướng đến, và mất rất nhiều thời gian để làm mát toàn bộ căn phòng, và cũng tốn điện hơn.
Các chuyên gia cho rằng điều này dựa trên nguyên lý cơ bản của hiện tượng giãn nở không khí: Khí nóng luôn nhẹ hơn khí lạnh, và chúng tích tụ ở trên cao. Ở chiều ngược lại, không khí lạnh nặng hơn nên luôn có xu hướng bay xuống thấp. Việc điều chỉnh hướng gió xuống thấp sẽ khiến thiết bị mất nhiều thời gian hơn để làm mát toàn bộ không gian.
Vì vậy, để tiết kiệm điện năng, người dùng nên ưu tiên hướng cửa gió lên cao. Điều này cho phép luồng khí lạnh được phân bổ đều hơn, và hiệu suất làm lạnh cũng được tăng cường. Đồng thời lực gió cũng ảnh hưởng đến tốc độ làm lạnh của điều hòa, nếu người dùng muốn làm lạnh nhanh, nên bật gió ở tốc độ cao nhất, và có thể kết hợp sử dụng đồng thời quạt điện để tăng cường quá trình lưu thông không khí.
Ngoài ra, có một số cách để sử dụng điều hoà tiết kiệm điện năng: như việc nên chọn điều hòa không khí có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Công suất của máy phụ thuộc vào diện tích, độ kín của phòng; Chọn điều hòa không khí 1 chiều hoặc 2 chiều tùy thuộc vào điều kiện và nhu cầu sử dụng của gia đình; Lựa chọn điều hòa không khí có nhiều sao, tốt nhất là 5 sao năng lượng để tiết kiệm điện; Nên chọn mua điều hòa không khí sử dụng các công nghệ tiết kiệm điện như: công nghệ inverter, mắt thần thông minh, công nghệ ECO.
Chọn điều hoà với công suất phù hợp để tiết kiệm điện nhất. |
Bên cạnh đó nên lắp đặt dàn nóng ở vị trí phù hợp. Tốt nhất nên chọn nơi có mái che và tránh bức xạ mặt trời trực tiếp; dàn nóng cách tường khoảng 15cm để thoát khí nóng ra được; phía trước quạt dàn nóng không được có vật cản ở khoảng cách nhỏ hơn 1,5m. Tiết kiệm 5 – 10% điện tiêu thụ; Tránh gắn dàn lạnh trong các góc khuất (làm giảm khả năng đối lưu không khí), cục lạnh treo tường nên gắn ở độ cao từ 2,5 – 3m.
Khi sử dụng nên cài đặt nhiệt độ phù hợp trên mức 26 – 28°C vào ban ngày và ban đêm từ 25 – 27°C. Cứ cài đặt nhiệt độ tăng 1°C sẽ tiết kiệm được 1 – 3% điện năng, dùng kết hợp với quạt để đối lưu không khí; Tắt điều hòa khi không sử dụng; Lắp đặt quạt thông gió phù hợp (20 – 30m3/h/người), ra vào phải đóng cửa; Không sử dụng thiết bị có nguồn nhiệt trong phòng chạy điều hòa như bàn là, máy sấy tóc;
Dùng chế độ tiết kiệm điện trên điều hòa trong quá trình sử dụng, ví dụ như tính năng mắt thần thông minh, chế độ Quiet – khi ngủ (chế độ yên tĩnh). Nếu điều hòa không khí có chế độ ngủ Sleep mode nên sử dụng, ở chế độ này lúc mới bật điều hòa không khí sẽ chạy lạnh sâu tới 25°C, sau đó cứ khoảng 2h tăng lên 1°C cho tới khi đạt 28°C;
Tắt bật điều hòa không khí hợp lý khi sử dụng, tránh tắt bật điều hòa liên tục bởi việc làm này khiến máy phải khởi động lại liên tục, tiêu tốn nhiều điện năng và làm giảm tuổi thọ của điều hòa;
Bảo dưỡng, vệ sinh thiết bị định kỳ để tăng hiệu quả tiết kiệm điện (Ảnh minh hoạ). |
Chỉ sử dụng chế độ làm mát nhanh (Turbo/Power full) hoặc đặt chế độ quạt mạnh nhất khi bật điều hòa để khử nhiệt trong phòng. Sau đó cần chuyển về chế độ bình thường với tốc độ quạt vừa phải sau 20 phút (phần lớn các điều hòa không khí hiện đại sẽ tự chuyển sau 30 phút); Bật chế độ điều chỉnh gió đa hướng (swing) hoặc có thể sử dụng kết hợp với quạt (nếu cần thiết). Kết hợp sử dụng quạt đảo gió, để tăng độ đồng đều và khả năng thải nhiệt, khi đó có thể tăng nhiệt độ cài đặt lên 26 – 29°C sẽ tiết kiệm 3 – 5% điện năng tiêu thụ; Định kỳ bảo dưỡng máy 1 lần/năm, làm vệ sinh lưới lọc 3 tháng/lần để làm lạnh hiệu quả và tiết kiệm 5 – 7% điện năng.
Việc sử dụng điều hòa ngày càng phổ biến trong mùa nóng tại các gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách lắp đặt, sử dụng điều hoa sao cho hợp lý và tiết kiệm điện.
Sử dụng điều hòa đúng cách sẽ tiết kiệm chi phí. |
Khi không dùng điều hòa phải ngắt điện nhưng có một thực tế rất nhiều người không biết đó là nếu chỉ tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ một lượng điện mà bạn không hề biết. Do vậy sau khi tắt bằng điều khiển từ xa, bạn nên ngắt áttômát.
Theo báo cáo của Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley (Mỹ), chế độ chờ chiếm 10% lượng điện tiêu thụ của khu dân cư, chẳng hạn như máy sấy tóc hay bộ sạc pin cắm trong ổ mà không sử dụng vẫn có thể gây tiêu hao điện năng. Do đó, ổ cắm thông minh sẽ ngăn chặn sự tiêu hao năng lượng chờ này, giúp giảm đáng kể hóa đơn tiền điện.
Đặc biệt là thiết bị phòng tắm thông minh sẽ giúp kiểm soát thời gian tắm và năng lượng tiêu hao. Một số thương hiệu nói rằng giới hạn thời gian tắm có thể giúp tiết kiệm nước lên đến 50%. Thực tế, bộ hẹn giờ thông minh có thể tiết kiệm tới 20% hóa đơn điện nước, đây là một khoản lợi tức đầu tư rất đáng kể.
Do đó, bộ điều khiển nhiệt thông minh là ví dụ tốt nhất về vấn đề tiết kiệm năng lượng của nhà thông minh. Các thiết bị điều chỉnh nhiệt độ trong nhà sẽ được tích hợp với điện thoại di động hoặc máy tính bảng, cho phép bạn theo dõi từ xa và cài đặt nhiệt độ trong nhà. Nó có thể định kỳ gửi báo cáo tiêu thụ năng lượng và thậm chí có thể tạo biểu đồ để xem dữ liệu sử dụng trong quá khứ. Theo Global News của Canada, tất cả những tính năng này có thể giúp tiết kiệm khoảng 15% hóa đơn tiền điện.
Ngay cả màn hình quản lý năng lượng cũng đã được chuyển đổi thành tự động hóa. Những tiện ích này có thể cung cấp cho người dùng thông tin chi tiết về việc sử dụng năng lượng và các hoạt động trong gia đình. Ví dụ, nếu có một hệ thống năng lượng mặt trời, người dùng có thể đo lường và so sánh vấn đề sử dụng năng lượng mặt trời và mức tiêu thụ điện năng.
Khi tích hợp với di động, bạn có thể theo dõi tất cả thông tin liên quan đến mức tiêu thụ năng lượng bao gồm cả thiết bị nào khiến bạn tốn nhiều tiền hơn và các báo cáo liên quan từ đó bạn sẽ có các giải pháp tiết kiệm điện năng hiệu quả. Ví dụ với tủ lạnh, khi cửa mở quá lâu, tủ lạnh được kết nối với thiết bị thông minh sẽ gửi một thông báo đến điện thoại. Ngoài ra, ứng dụng cũng cho biết hiện trạng của tủ lạnh như quá trình làm đá đang được thực hiện. Điều này cho thấy thiết bị thông minh là giải pháp tối ưu để tiết kiệm điện năng cho ngôi nhà.
Nguồn: Báo xây dựng