“Tiết học mở” góp phần xây dựng trường học hạnh phúc

Tăng sự gắn kết giữa phụ huynh với nhà trường

“Sau khi được học cùng con môn tiếng Việt, tôi biết được ở trên lớp con mình được học những gì, thực sự bất ngờ tiết học thú vị của giáo viên”.

Đó là chia sẻ của chị Ly, có con học lớp 1 tại Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình).

Chị Ly kể, tháng 12/2023, chị được tham gia học cùng con ở giờ học môn tiếng Việt. Lúc đầu, chị khá căng thẳng vì chưa bao giờ được ngồi cùng nhiều bạn nhỏ như thế, tuy nhiên, khi giờ học bắt đầu, chị Ly bất ngờ về phương pháp đổi mới của giáo viên, tạo nên không khí lớp học sôi nổi, học sinh tự tin đua nhau giơ tay phát biểu.

“Tôi thấy các con còn biết thêm nhiều loại nông sản, hiểu lợi ích từ việc thu gom rác thải nhựa. Tôi đánh giá cao sự hướng dẫn khéo léo, dễ hiểu, thu hút của giáo viên, tạo tâm lý thoải mái giúp các con vui vẻ học tập, chủ động sáng tạo”, chị Ly cho hay.

Theo chị Ly, sau khi trực tiếp trải nghiệm mô hình “Tiết học mở”, chị thấy có nhiều khác biệt giữa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục trước đây.

“Tiết học mở” góp phần xây dựng trường học hạnh phúc
“Tiết học mở” giúp phụ huynh quan sát được việc học của con và phương pháp giảng dạy của giáo viên.

Tương tự, tháng 11/2023, chị Quyên, có con học lớp 2/1 Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) cho biết, chị khá bất ngờ về tiết học Tự nhiên và Xã hội mà chị may mắn được tham gia cùng con.

Tiết học diễn ra tại khu vườn trong trường với sự tham dự của Ban giám hiệu và phụ huynh học sinh.

Theo chị Quyên, với chủ đề thực vật, bài giảng được giáo viên chuẩn bị rất kỹ, cách giảng tạo sự gần gũi, hứng thú cho học sinh. Việc học thực tến ở sân vườn trường giúp các con có trải nghiệm thực tế như: Được sờ trực tiếp vào nhiều loại cây, được tận mắt thấy con sâu ngoài đời thực chứ không phải qua hình vẽ.

“Đặc biệt, giáo viên tổ chức nhiều hoạt động, thiết kế phương pháp trạm với nhiều câu hỏi đố vui làm các con rất thích thú và tích cực tham gia”, chị Quyên đánh giá.

Chị Quyên kể, ở trạm 1, sau khi quan sát các loài cây trong vườn, các con sẽ nêu tên ba loài cây mình biết. Trạm 2, các con sẽ nêu tên và nơi sống của các loài cây trong tranh. Ở Trạm 3 là phần các con tham gia giải đáp các câu đố vui do giáo viên đã chuẩn bị trước đó.

“Tôi thấy bài giảng được đầu tư kỹ, phối hợp nhiều hoạt động, phương pháp truyền đạt dễ hiểu, thú vị, đem lại hiệu quả cao. Hy vọng sẽ có nhiều “Tiết học mở” ở các môn để nếu phụ huynh nào bận thì sẽ có thêm nhiều cơ hội để trải nghiệm, từ đó có thể thay đổi phương pháp giáo dục con ở nhà phù hợp hơn”, chị Quyên chia sẻ.

Nhân rộng “Tiết học mở”

Bà Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình) thông tin, mô hình “Tiết học mở” đã được nhà trường triển khai nhiều năm ở môn tiếng Anh, diễn ra ở những địa điểm thích hợp như hội trường, sân trường, sân vườn, quan trọng nhất là tiết học có sự tham gia của phụ huynh học sinh.

“Tiết học mở” góp phần xây dựng trường học hạnh phúc
Tiết học mở của học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp).

Theo bà Dung, “Tiết học mở” nhận được phản ứng tích cực từ phụ huynh, vì vậy, Trường Tiểu học Đống Đa đã mở rộng mô hình “Lớp học mở” ở nhiều môn học khác.

Cũng tổ chức “Tiết học mở”, ông Lê Ngọc Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Thọ cho biết, từ đầu năm học đến nay, trường đã tổ chức được 10 tiết học mở. Các tiết học được phụ huynh đánh giá cao sự đầu tư của giáo viên vào giáo án, từ phương pháp đến hoạt động đố vui có thưởng đều rất thú vị, dễ hiểu, hay và hấp dẫn học sinh.

“Tiết học mở giúp phụ huynh yên tâm và cảm thông hơn với giáo viên trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, đây là hoạt động giúp tạo sợi dây gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục học sinh”, ông Khoa chia sẻ.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, trước đây, “Tiết học mở” chủ yếu thực hiện ở môn tiếng Anh. Từ năm học 2023 – 2024, Sở chỉ đạo các trường tổ chức mô hình “Tiết học mở” ở tất cả các môn.

Theo bà Thúy, thông qua “Tiết học mở”, phụ huynh có cơ hội tham gia cùng con học tập, vui chơi, rèn luyện, sinh hoạt ở trường, từ đó phụ huynh biết được ở trường con làm gì, học gì, học như thế nào?; phụ huynh sẽ hiểu nhanh và rõ hơn về Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tạo được sự đồng hành giữa phụ huynh và nhà trường, giúp đạt mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

“Bên cạnh đó, qua “Tiết học mở”, phụ huynh thấy được tâm sức của giáo viên, giúp phụ huynh có niềm tin vào giáo viên và nhà trường. Từ đó, góp phần tạo động lực cho giáo viên và nhà trường hoạt động tốt hơn, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc”, bà Thúy nói.

Lâm Ngọc

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích