Tiếp xúc với khói từ đám cháy rừng làm tăng nguy cơ ung thư

(TN&MT) – Nghiên cứu của Đại học McGill (Canada) đã dõi hơn 2 triệu người Canada trong khoảng 20 năm trở lại đây cho thấy, những người từng tiếp xúc với cháy rừng có tỷ lệ tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi và u não cao. Đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra mức độ ảnh hưởng của cháy rừng đến nguy cơ gây ung thư ở người.

anh-2-khoi-thai-ra-tu-cac-dam-chay-rung(1).jpg

Đồ họa về khói thải ra từ các đám cháy rừng. Nguồn: Atmospheric Environment

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health (Pháp) cho thấy những người sống trong phạm vi bán kính 50 km từ nơi xảy ra các vụ cháy rừng trong 10 năm qua có tỷ lệ mắc bệnh u não cao hơn 10% và tỷ lệ mắc ung thư phổi cao hơn 4,9% so với những người sống xa hơn.

Cùng với biến đổi khí hậu, cháy rừng được dự đoán sẽ xảy ra ngày càng nhiều, nghiêm trọng hơn, kéo dài hơn trong tương lai và đang dần được công nhận là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Jill Korsiak, nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Weichenthal nhận định, nhiều chất gây ô nhiễm được thải ra từ đám cháy là chất gây ung thư ở người, có nghĩa là tiếp xúc với các luồng khói trong không khí sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng vì các vụ cháy rừng thường xảy ra ở các khu vực giống nhau mỗi năm nên người dân sống trong các cộng đồng gần đó có thể tiếp xúc nhiều với các chất ô nhiễm gây ung thư do cháy rừng gây ra.

Ngoài ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí, cháy rừng còn gây ô nhiễm môi trường nước, đất và cả môi trường trong nhà. Trong khi một số chất ô nhiễm trở lại nồng độ bình thường ngay sau khi ngọn lửa ngừng cháy thì các chất hóa học khác như kim loại nặng và hydrocacbon có thể tồn tại lâu trong không khí. Giáo sư Weichenthal cho hay, sau khi các đám cháy rừng bùng lên, con người có thể tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường qua các con đường tiếp xúc khác nhau.

Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để phân tích hỗn hợp phức tạp của các chất ô nhiễm môi trường được thải ra trong các trận cháy rừng. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh cần phải nghiên cứu sâu hơn để có thể ước tính dài hạn về những ảnh hưởng của cháy rừng đến sức khỏe.

Phó Giáo sư Scott Weichenthal tại Khoa Dịch tễ học, Thống kê Sinh học và Sức khỏe Nghề nghiệp tại Đại học McGill cho biết, cháy rừng có xu hướng xảy ra ở những địa điểm giống nhau mỗi năm, nhưng hiện tại có rất ít thông tin về ảnh hưởng lâu dài của cháy rừng đến sức khỏe con người.

Bạn cũng có thể thích