Tiếp tục triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Việc tiếp tục triển khai khu công nghiệp sinh thái sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Tiếp tục triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam
Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thực hiện nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu,” Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vừa tổ chức họp Ban chỉ đạo dự án để đánh giá tình hình triển khai năm 2022 và xây dựng kế hoạch triển khai dự án từ năm 2023 đến hết tháng 5/2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở kế thừa các kết quả Dự án khu công nghiệp sinh thái giai đoạn 2015-2019, với các kinh nghiệm quốc tế về phát triển khu công nghiệp sinh thái của UNIDO, dự án đã góp phần nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam; phù hợp với nhiều cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050 vừa là tham vọng lớn nhưng cũng là thách thức đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

“Dự án và các bước tiếp theo sẽ là đầu vào quan trọng giúp Việt Nam huy động nguồn lực, đẩy nhanh quá trình triển khai các khu công nghiệp sinh thái để phát triển môi trường bền vững trong giai đoạn tới,” Thứ trưởng Ngọc cho biết.

Thứ trưởng mong muốn, Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) – nhà tài trợ của Dự án và UNIDO tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đồng hành cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh thực hiện khu công nghiệp sinh thái.

Các bên liên quan cùng phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các quy định pháp lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn thực hiện cộng sinh công nghiệp và xây dựng mới các khu công nghiệp sinh thái.

Đồng thời, tiếp tục lan tỏa sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính đến nhiều khu công nghiệp theo từng mức độ phát triển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận, theo dõi, giám sát khu công nghiệp sinh thái.

Cùng đó, xây dựng cơ chế đối thoại, hợp tác công tư để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh quá trình thực hiện khu công nghiệp sinh thái; tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn, truyền thông về khu công nghiệp sinh thái theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn của Chính phủ.

Ông Werner Gruber, Trưởng Bộ phận Hợp tác quốc tế SECO đánh giá cao các hoạt động, thành tựu đạt được của dự án như việc xây dựng nhóm công tác liên ngành để đảm bảo thực thi hiệu quả Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế và tổ chức nhiều cuộc họp, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển khu công nghiệp sinh thái với các đối tác có liên quan.

“Chính phủ Thụy Sỹ và SECO luôn mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các hoạt động của dự án và sẽ tích cực trao đổi, thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xây dựng giai đoạn tiếp theo phù hợp với nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam trong phát triển hệ thống khu công nghiệp sinh thái”, ông Werner Gruber cho hay.

Đại diện UNIDO hy vọng được tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong việc nhân rộng và đưa khu công nghiệp sinh thái phát triển rộng rãi hơn và cho biết, giai đoạn tiếp theo dự án sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách để gỡ bỏ rào cản, thúc đẩy hơn nữa phát triển khu công nghiệp sinh thái.

Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới để tạo tiền đề cho khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam; đồng thời, hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn tài chính xanh; đảm bảo tính bền vững về mặt thể chế, nguồn lực cho các cơ quan quản lý về khu công nghiệp sinh thái.

Trong năm 2023, dự án sẽ tập trung phát triển chính sách, xây dựng hướng dẫn phát triển khu công nghiệp sinh thái mới, xây dựng cơ sở dữ liệu để thu thập số liệu về khu công nghiệp sinh thái.

Cùng đó, thực hiện trình diễn khu công nghiệp sinh thái, hoàn thiện báo cáo cộng sinh công nghiệp và cơ hội cộng sinh đô thị-công nghiệp, triển khai, giám sát cơ hội khu công nghiệp sinh thái đã xác định./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích