Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải

Hà Anh –  Thứ bảy, 27/08/2022 10:11 (GMT+7)

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đã diễn ra hơn 10 năm kể từ khi ký Biên bản hợp tác đầu tiên vào ngày 13/12/2010…

Ngày 25-8, tại Hà Nội, diễn ra cuộc họp định kỳ lần thứ 15 về Hợp tác Kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải giữa Bộ Xây dựng và Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản (MLIT).

Tới tham dự có đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Cục Quản lý thoát nước, nước thải, Bộ MLIT, Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chính quyền các địa phương của Nhật Bản (Yokohama, Osaka, Kitakyushu, Kobe) cùng chính quyền các địa phương Việt Nam (TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Kiên Giang, An Giang, Nghệ An, Bạc Liêu).

Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý hạ tầng thoát nước cho nhiều đô thị
Đại diện các bộ, chính quyền địa phương hai nước Việt Nam – Nhật Bản tại kỳ họp lần thứ 15 về Hợp tác Kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải.

Theo PGS.TS Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng , từ năm 2010, hai Bộ đã ký Biên bản hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, sự hợp tác giữa 2 bên đã đến nay đã đạt thành tựu, triển khai được nhiều hoạt động trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Hỗ trợ xây dựng và thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Ứng phó với những thách thức trong công tác quy hoạch, triển khai hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; Phát triển nguồn nhân lực, trong đó có hợp tác giữa các thành phố với doanh nghiệp hoặc giữa các thành phố với nhau.

“Cuộc họp này hi vọng lắng sẽ nghe được nhiều ý kiến chia sẻ quý báu giữa chính quyền và địa phương hai nước để tiếp tục thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải ở Việt Nam.”, bà Hương chia sẻ.

Trong giai đoạn từ tháng 3/2021 – 8/2022, hai Bộ, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức, đơn vị liên quan của hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã cố gắng thực hiện các hoạt động theo kế hoạch đặt ra trong điều kiện hạn chế do đại dịch Covid-19. Một số hoạt động đã được tiếp tục và đạt được kết quả nhất định.

Tại TP Hà Nội, Dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở của JICA về Kế hoạch phát triển năng lực quản lý kinh doanh thoát nước thải TP Hà Nội (giai đoạn 2) thực hiện từ tháng 12/2017 – 3/2023, phía Nhật Bản hỗ trợ phát triển năng lực quản lý kinh doanh thoát nước thải của TP Hà Nội và hợp tác kỹ thuật để Sở Xây dựng Hà Nội chủ động thực hiện các nỗ lực quản lý duy trì vận hành trạm xử lý nước thải thí điểm; lập kế hoạch xử lý bùn thải; thực hiện các nỗ lực có liên quan tới việc chuẩn bị các thông tin cơ bản để góp phần giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt.

Trong Dự án hợp tác kỹ thuật tăng trưởng xanh tại Vịnh Hạ Long, phía Nhật Bản đã cử một cựu nhân viên của tỉnh Shiga đến Quảng Ninh trên tư cách là chuyên gia dài hạn của JICA, hỗ trợ thúc đẩy các chính sách tăng trưởng xanh nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững có xét đến môi trường theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, như: mở rộng sự phổ cập, tham gia của người dân với Sách trắng về tăng trưởng xanh, nội dung cuốn sách có tham khảo sách trắng về môi trường của tỉnh Shiga; giới thiệu công nghệ liên quan đến môi trường nước của tỉnh Shiga (trao đổi kỹ thuật); tư vấn chuẩn bị thành lập trung tâm nghiên cứu môi trường Vịnh Hạ Long… Trong đó, mô hình Hồ Biwa xung quanh Vịnh Hạ Long đã nhận Giải thưởng Đóng góp quốc tế của Giải thưởng Nước Nhật Bản tổ chức vào tháng 6/2021.

Tại TP.HCM, theo kế hoạch từ năm 2022, phía Nhật Bản sẽ tiến hành các thiết kế chi tiết sau khi đã khảo sát chuẩn bị cho kế hoạch cải tạo các đường ống thoát nước thải không đào hở tại TP.HCM giai đoạn 2016-2019; xây dựng chính; hỗ trợ giám sát thi công; triển khai đồng đều các phương pháp thi công phục hồi đường ống, biện pháp và kế hoạch làm mới và cải tạo các đường ống hiện có.

Tại Kiên Giang, giai đoạn 2013-2016, hai bên đã thực hiện hợp tác kỹ thuật về các biện pháp cải thiện môi trường nước bao gồm hệ thống thoát nước thải và các phương pháp nâng cao nhận thức cộng đồng; hoạt động này giúp lập kế hoạch cải thiện môi trường nước tỉnh Kiên Giang, hướng dẫn tổ chức các cuộc họp định kỳ và báo cáo UBND tiến độ thực hiện kế hoạch, tạo ra cuốn sách nhỏ dành cho người dân để cải thiện môi trường nước.

Giai đoạn 2017-2020, phía Nhật Bản đã đào tạo trang bị kiến thức cho tỉnh Kiên Giang năng lực cần thiết để bắt đầu và vận hành liên tục hoạt động kinh doanh thoát nước thải; hoạt động đã tạo tài liệu giảng dạy cho các lớp môi trường nước, quy trình lên lớp, tài liệu đào tạo nội bộ về phát triển nguồn nhân lực để có thể triển khai liên tục trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, một nghiên cứu được thực hiện về các vấn đề liên quan đến kế hoạch xử lý nước thải cơ bản cho khu vực mô hình.

Tại TP Hải Phòng, kể từ khi ký kế biên bản ghi nhớ hợp tác và trao đổi kỹ thuật trong lĩnh vực thoát nước thải từ tháng 11/2010, phía Nhật Bản đã hỗ trợ TP Hải Phòng triển khai các dự án như: Dự án cải thiện môi trường nước TP Hải Phòng, Dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để thúc đẩy kinh doanh thoát nước thải; Dự án nâng cao năng lực quản lý và bảo trì hệ thống thoát nước thải TP Hải Phòng; Dự án nâng cao năng lực quản lý vận hành và ứng phó ngập lụt của trạm xử lý TP Hải Phòng.

Cũng tại cuộc họp này cũng diễn ra Lễ trao Phiên bản 6 của Tiêu chuẩn Công nghệ khoan kích ngầm dành cho Việt Nam – Sách đỏ.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý hạ tầng thoát nước cho nhiều đô thị
Ông Atsuchi Tajima – Giám đốc Văn phòng Đối ngoại và xây dựng, Cục Quản lý thoát nước và nước thải, Bộ MLIT trao sách đỏ cho PGS.TS Mai Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng.

Ấn bản thứ 6 của tiêu chuẩn công nghệ khoan kích Việt Nam gồm 7 chương với các nội dung về tiêu chuẩn thiết kế công nghệ khoan kích; công nghệ khoan kích tiêu chuẩn tính toán; tiêu chuẩn đường ống khoan kích; tiêu chuẩn hố ga lắp ráp; tiêu chuẩn nắp sắt hố ga; hướng dẫn vận hành tiêu chuẩn và tài liệu kỹ thuật.

Theo đó, để phổ biến hơn công nghệ khoan kích, Bộ MLIT đã tiến hành khảo sát tại Việt Nam với sự hợp tác của Bộ Xây dựng và biên soạn đề xuất về chính sách sửa đổi sách đỏ từ ấn bản thứ 6 và phương pháp phổ biến công nghệ khoan kích.

Kết quả điều tra cho thấy, nhìn chung nhận thức về sách đỏ ở các thành phố trong Việt Nam chưa đầy đủ; Bộ Xây dựng, TP.HCM và TP Hải Phòng yêu cầu tổ chức cuộc họp giao ban về sách đỏ tại Việt Nam.

Riêng TP.HCM đang thực hiện thi công khoan kích, yêu cầu bổ sung thêm các mô tả như tiêu chuẩn quản lý xây dựng, tiêu chuẩn kiểm định.

Để bảo đảm việc triển khai sách đỏ đạt hiệu quả, trong tương lai phía Nhật Bản sẽ thực hiện những buổi giải thích công nghệ khoan kích ngầm tại các thành phố địa phương của Việt Nam; tổ chức tham quan hiện trường thi công khoan kích ngầm tại Việt Nam; giải thích về các tiêu chuẩn công nghệ khoan kích phiên bản Việt Nam; đồng thời xem xét việc xây dựng ấn bản thứ 7 tương thích với sự tích lũy kinh nghiệm xây dựng của phía Việt Nam và sự phát triển của công nghệ mới./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích