Tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng
Tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh khẳng định, Bộ Xây dựng cương quyết tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng để bảo đảm các cấp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm…
Trình Lãnh đạo Bộ ban hành 3 văn bản
Chiều 19/02, tại Trụ sở Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh và Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đồng chủ trì chỉ đạo tại cuộc họp Tổ công tác của 2 Bộ để kiểm điểm, đánh giá và triển khai nhiệm vụ của Tổ công tác.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 02/CĐ-TTg, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT đã đồng chủ trì tổ chức Hội nghị nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá; khai thác cung ứng VLXD cho các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vào ngày 29/01/2024. Qua Hội nghị này, Lãnh đạo 2 Bộ thống nhất thành lập Tổ công tác thực hiện Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác).
Ngày 06/02/2024, Lãnh đạo 2 Bộ đã có cuộc họp và thống nhất Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 113/QĐ-BXD thành lập Tổ công tác do ông Đàm Đức Biên – Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng là Tổ trưởng; Ông Lê Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đồng Tổ trưởng. Ngay sau khi được thống nhất thành lập, Tổ công tác đã có cuộc họp đầu tiên trong cùng ngày.
Báo cáo tại cuộc họp ngày hôm nay, ông Đàm Đức Biên – Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Cục Kinh tế Xây dựng đã tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 113/QĐ-BXD thành lập Tổ công tác; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ GTVT các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 02/CĐ-TTg như: Nắm bắt các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; tham mưu, đề xuất giải phá tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó nêu rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan trong xác định danh mục, xác định giá VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù; xác lập và quản lý hợp đồng xây dựng…
Bên cạnh đó, Cục Kinh tế xây dựng cũng trình Lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành 3 văn bản: Văn bản gửi Bộ GTVT về xác định giá VLXD tại mỏ theo cơ chế đặc thù giao cho nhà thầu thi công tự khai thác VLXD phục vụ thi công đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 106/2023/QH15 và các Nghị quyết của Chính phủ, trong đó hướng dẫn Bộ GTVT thu thập, đánh giá, xác định các loại chi phí, khoản mục chi phí phát sinh theo cơ chế đặc thù; Văn bản gửi các địa phương đôn đốc công bố giá VLXD, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; Văn bản gửi các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND các địa phương rà soát các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và định mức xây dựng…
Bảo đảm áp dụng rộng hơn so với phạm vi định mức
Cũng tại cuộc họp, ông Lê Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, đồng Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng để ban hành 324 định mức, đang được lấy ý kiến Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT. Đây là số định mức dự toán liên quan chủ yếu đến lĩnh vực đường bộ và điều chỉnh hệ số tính chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng của tất cả các ngành nghề.
Riêng đối với các định mức liên quan đến ngành Giao thông, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng đã rà soát, dự kiến điều chỉnh một số định mức liên quan đến: Đắp nền đường bằng lu rung, đã quy định cụ thể đối với trường hợp đầm chặt cải tiến và đầm chặt tiêu chuẩn; đắp đá nghiền nền đường; ép nhổ cọc cừ larsen; thi công cọc xi măng đất đường kính lớn; điều chỉnh định mức móng cấp phối đá dăm; bổ sung, điều chỉnh định mức thi công bê tông nhựa; bổ sung định mức ván khuôn dầm Super T; lắp đặt cấu kiện > 200 kg; thi công rọ đá, rồng đá…
Trong số các định mức dự kiến điều chỉnh này, cần bổ sung một số thông tin phần ghi chú hoặc bổ sung một số nội dung thành phần công việc nhằm bảo đảm áp dụng rộng hơn so với phạm vi định mức dự kiến ban hành. Cục Quản lý đầu tư xây dựng đang rà soát, sẽ có góp ý để hoàn thiện báo cáo Bộ Xây dựng xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, đối với 529 định mức do Cục Quản lý đầu tư xây dựng rà soát, gửi Bộ Xây dựng, trong đó có khoảng 41 định mức trùng với các định mức đã được Viện Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng rà soát để điều chỉnh Thông tư số 12/2021/TT-BXD; khoảng 90 định mức đã ban hành tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD cần cập nhật ban hành trong đợt này, chỉ cần điều chỉnh, bổ sung phạm vi áp dụng, chuẩn xác lại thành phần công việc; khoảng 67 định mức đường sắt, đề nghị bổ sung sửa đổi Thông tư số 12/2021/TT-BXD theo ĐM1776 và ĐM1778 trước đây đã ban hành; khoảng 121 định mức (đường bộ 68 định mức, hàng không 53 định mức) đã được các chủ đầu tư tổ chức khảo sát tại các dự án, đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng định mức; còn khoảng 210 định mức cần tiếp tục khảo sát tại các dự án đang triển khai thực hiện hoặc chuẩn bị triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó về đường sắt có 64 định mức, đường bộ có 146 định mức.
Nhóm các định mức này cần làm rõ các tiêu chí cụ thể để phân định khái niệm định mức chuyên ngành, định mức đặc thù chuyên ngành làm cơ sở xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các Bộ quản lý xây dựng chuyên ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ ban hành định mức đặc thù chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực đường sắt.
Ông Lê Quyết Tiến cũng cho biết, về xác định giá vật liệu tại mỏ theo cơ chế đặc thù, Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT đã tổng hợp danh mục các chi phí cần thiết thực tế đã triển khai tại các dự án gửi Cục Kinh tế xây dựng và đang phối hợp với các chủ đầu tư cung cấp bổ sung thông tin cần thiết.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nêu quan điểm về việc xác định rõ định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; cũng là cơ sở để xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc xây dựng và ban hành định mức đặc thù chuyên ngành Giao thông.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng, với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) như hiện nay, chưa làm rõ được vai trò, trách nhiệm của Bộ GTVT trong ban hành định mức đặc thù chuyên ngành Giao thông…
Tiếp tục phân cấp, phân quyền trong hoạt động xây dựng
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh chia sẻ với quan điểm của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm và cho biết, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Xây dựng đã có một thời gian dài thực hiện công bố định mức, công bố giá cho các lĩnh vực xây dựng nói chung trong nền kinh tế.
Đến năm 2020, Luật sửa đổi, bổ sung sung một số điều của Luật Xây dựng (Luật số 62/2020/QH14) được Quốc hội khóa 14 thông qua ngày 17/6/2020, quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ trong thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng trong phạm vi cả nước; phân công, phân cấp quản lý nhà nước cho các Bộ, ngành, địa phương, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành… Nói cách khác, các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng được phân cấp, phân quyền để có thể tự quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai Luật Xây dựng 2020 còn có nhiều lúng túng vì chưa thích nghi, chưa có bộ máy thực hiện tốt, đọc quy định pháp luật có những việc cũng chưa hiểu đúng dẫn đến lúng túng, bất cập.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh khẳng định, Bộ Xây dựng cương quyết tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong hoạt động xây dựng để bảo đảm các cấp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, không để một người quyết định rồi người khác chịu trách nhiệm thay. Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, kiểm tra. Các đối tượng, các chủ thể trong xã hội gặp khó khăn trong thực hiện, Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh đề nghị Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng chỉ đạo rà soát lại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng nhằm làm rõ khái niệm định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; Tổ công tác cũng phối hợp nghiên cứu để hiến kế cho Lãnh đạo Bộ Xây dựng xác định rõ hơn nội dung này.
Sau khi thống nhất khái niệm thì hướng dẫn cho các địa phương để có tổng hợp lại các định mức còn thiếu phải làm tiếp, cần bổ sung.
Đề nghị Tổ công tác xác định ngay trong phiên họp lần thứ 3 về việc ban hành các định mức trong quý 1/2024, trong đó xác định rõ số định mức được ban hành, danh mục ban hành.
Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cũng đồng thời đề nghị Tổ công tác của 2 Bộ phối hợp sớm làm rõ thẩm quyền, hướng dẫn về chi phí vật liệu xác định tại mỏ theo cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ. Trong tháng 02/2024, chậm nhất là trong tháng 3/2024 giải quyết dứt điểm việc này. Nếu công tác này thuộc trách nhiệm của địa phương thì giao cho các địa phương; thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư thì giao cho các chủ đầu tư.
Đề nghị Viện Kinh tế xây dựng sớm lấy ý kiến về phương pháp xác định giá vật liệu, công bố giá vật liệu để ban hành chậm nhất trong tháng 3/2024, bổ sung cho việc thực hiện thu thập, đánh giá, công bố giá VLXD của các địa phương. Các phương pháp này đã được xây dựng xong từ năm 2023, nay chỉ lấy ý kiến phản biện để tiếp thu, hoàn thiện trước khi ban hành.
Các Bộ, trong đó có Bộ Xây dựng sau khi ban hành 3 văn bản liên quan đến định mức, đơn giá; giá, công bố chỉ số giá; giá VLXD, giá VLXD tại mỏ, đề nghị Cục Kinh tế xây dựng phối hợp với Tổ công tác công bố công khai các thông tin về việc công bố giá, công bố đơn giá, giá nhân công, chỉ số giá, giá máy thi công bảo đảm đúng quy định pháp luật về thời gian, diễn biến thị trường… Địa phương nào, nơi nào không tuân thủ thì công bố công khai trên hệ thống thông tin quốc gia.
Trong tháng 2 và tháng 3/2024, hai Bộ phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát tại một số BQLDA để nắm bắt thêm quá trình quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quá trình ban hành định mức, quá trình công bố giá, xác định về giá trong quá trình quản lý hợp đồng.
Về hợp đồng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh đề nghị có báo cáo cụ thể về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai các dự án, công trình giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông theo cơ chế đặc thù, các nội dung liên quan đến xác lập hợp đồng, quản lý hợp đồng xây dựng…
Trên tinh thần Tổ công tác sẽ cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ mà Công điện số 02/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao trong tháng 3 và tháng 4/2024, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh lưu ý Tổ công tác báo cáo đầy đủ, thể hiện bằng con số cụ thể, mốc thời gian cụ thể, rõ trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, địa phương.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị