Tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng của Huế

Kỳ họp lần thứ V, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VIII, tổ chức ngày 9/12 đã thông qua “Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Tiếp tục hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng của Huế
Một nhà vườn với kiến trúc cổ kính, sạch đẹp tại thành phố Huế

Theo đó, so với chính sách đã triển khai giai đoạn 2015-2020, Thừa Thiên Huế mở rộng phạm vi và đối tượng thụ hưởng chính sách để bảo tồn các giá trị đặc sắc về văn hoá, kiến trúc của nhà rường cổ đặc trưng của Huế và đa dạng hoá các loại hình khai thác phát triển dịch vụ du lịch; tập trung ưu tiên những chính sách hỗ trợ để thực thi hiệu quả những kết quả đã đạt được gắn với sinh kế, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chủ nhà vườn, nhà rường cổ, các doanh nghiệp kinh doanh phát triển dịch vụ du lịch gắn với nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ tại tỉnh.

Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ: Nhà xếp loại 1 tối đa 1 tỷ đồng/nhà, nhà xếp loại 2 tối đa 800 triệu đồng/nhà, nhà xếp loại 3 tối đa 600 triệu đồng/nhà. Cùng với đó có hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu nhà tối đa không quá 50 triệu đồng/nhà.

Các nhà vườn đặc trưng cũng được hỗ trợ cải tạo, phục hồi, tái tạo phát triển vườn gắn với phục hồi, phát triển các loại cây cây ăn quả bản địa, cây cảnh, cây dược liệu đặc trưng của Huế tại các vườn, tạo cảnh quan sinh thái vườn phục vụ quảng bá, khai thác phát triển dịch vụ du lịch.

Tổng nguồn kinh phí thực hiện chính sách khoảng 45,2 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước đảm bảo khoảng 40,4 tỷ đồng. Nguồn huy động đóng góp xã hội hóa khoảng 4,8 tỷ đồng. Thời gian áp dụng thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.

Trước đó, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 02/2015/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng giai đoạn 2015-2020.

Thực hiện chủ trương này, đến nay có 55 nhà vườn thuộc thành phố Huế và huyện Phong Điền đã được trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác (thành phố Huế 30 nhà và huyện Phong Điền 25 nhà).

Trong đó có 38 nhà vườn sau khi trung tu đã đưa vào khai thác, phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, như: Tham quan, lưu trú homestay; thưởng thức ẩm thực truyền thống Huế; chế biến một số món ăn dân dã Huế; ngâm chân với nguyên liệu cây lá trong vườn; tour xe đạp khám phá cuộc sống, các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng dân cư và nghề truyền thống Huế; nói chuyện, trao đổi, tìm hiểu về lịch sử văn hóa và con người Huế, bán hàng lưu niệm…

Nhiều nhà vườn có doanh thu tốt như nhà vườn Đặng Văn Thành 600 triệu đồng/năm, nhà vườn Hồ Xuân Đài 400 triệu đồng/năm, nhà vườn Phan Thuận An 400 triệu đồng/năm, nhà vườn Hoàng Xuân Bậc 1 tỷ đồng/năm, nhà vườn Lê Thị Gái 120 triệu đồng/năm…

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc hỗ trợ trùng tu tôn tạo và tạo kết nối các dịch vụ du lịch đã cải thiện điều kiện sống của người dân trong vùng (nhất là ở khu vực làng cổ Phước Tích), là một bước lớn để các khu vực này trở nên khang trang, sạch sẽ và nề nếp hơn.

Đề án đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao hình ảnh cố đô Huế và các bộ phận cấu thành hệ sinh thái đô thị-nhà vườn, đồng thời làm tiền đề lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ di sản văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế-xã hội của tỉnh.

Các cụm điểm tập trung các nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ ở tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: Phường Thủy Biểu, phường Kim Long, khu vực Bao Vinh (phường Hương Vinh), thành phố Huế, làng cổ Phước Tích…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích