Tiếp tục giữ đà phục hồi cho doanh nghiệp cuối năm

Nửa đầu năm nay, nền kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng đã phải đối mặt với không ít khó khăn trong bối cảnh tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp; nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục. Tuy nhiên sang tháng 7, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đã cho thấy sự khởi sắc.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2023 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó đoán định, các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ sẽ là trợ lực giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất phục hồi trong những tháng cuối năm.

Sang tháng 7, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đã cho thấy sự khởi sắc.
Sang tháng 7, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đã cho thấy sự khởi sắc (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia, mặc dù có những tín hiệu phục hồi, nhưng doanh nghiệp sản xuất đang phải đối mặt với cạnh tranh lớn. Thêm vào đó, yêu cầu đẩy mạnh tiêu dùng xanh tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng gây khó khăn cho xuất khẩu. Lãi suất vay đã giảm, nhưng làm thế nào để tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp là yếu tố quan trọng.

“Nếu các doanh nghiệp có thể thuyết phục các ngân hàng, hoặc các ngân hàng có cách tiếp cận mở hơn khi xem xét các hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp, thì có thể có những cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay.

Bên cạnh chính sách tiền tệ linh hoạt, các chuyên gia cho rằng cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hỗ trợ kinh doanh doanh nghiệp là yếu tố cấp thiết để nâng cao khả năng hấp thụ vốn vay của doanh nghiệp.

“Chính phủ có nhiều giải pháp đã nhận thức được vấn đề, tầm quan trọng của cải cách thể chế. Ví dụ như Công điện 644 của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ tập trung vào cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về mặt thủ tục, mà còn chỉ đạo là cắt giảm các chi phí tuân thủ”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định

Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần tái cơ cấu, xác định chiến lược phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, phát triển sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Theo Thương hiệu & Công luận

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích