Tiếp tục bàn để sửa Luật Đất đai

Luật Đất đai bộc lộ nhiều hạn chế

Vừa qua, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, thời gian qua, cùng với chính sách tài chính đất đai nói chung, chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ, hạn chế sử dụng đất đai lãng phí; góp phần định hướng và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển.

Tuy nhiên, cũng qua quá trình thực hiện, các văn bản quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 (Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Tiếp tục bàn để sửa Luật Đất đai
Luật Đất đai góp phần định hướng và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển. (Ảnh minh họa: Đỗ Đạt)

Để rà soát, tổng hợp việc thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã có công văn (số 8335/BTC-QLCS ngày 28/7/2021) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và kiến nghị, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung các chính sách này.

Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, báo cáo của các địa phương cho thấy có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bộ Tài chính đã tổng hợp, đánh giá và có các văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024.

Đồng thời, Bộ Tài chính nhận thấy rằng cần thiết hoàn thiện (thay thế các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013) để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế mới, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Sửa luật để gỡ vướng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, Luật Đất đai số 31/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 18/1/2024. Ngày 5/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến tính, thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dựa trên các nguyên tắc: Bám sát những nội dung tài chính về đất đai mà Luật Đất đai trực tiếp giao cho Chính phủ quy định hoặc hướng dẫn; Tổng hợp vướng mắc trên thực tiễn trong thời gian vừa qua để quy định xử lý trong Nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và quy định của pháp luật có liên quan; Kế thừa những quy định của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất theo Luật Đất đai năm 2013, đang thực hiện ổn định, phù hợp.

Tiếp tục bàn để sửa Luật Đất đai
Dự thảo Nghị định cần làm rõ nội dung tính tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất. (Ảnh minh họa: Bảo Thoa)

Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, quy định tại Dự thảo Nghị định với mục tiêu nhằm làm rõ, cụ thể hơn so với chính sách hiện hành để các cơ quan chức năng thuộc địa phương thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Ví dụ như về tính tiền thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 30 dự thảo Nghị định), tại Khoản 3 Điều 30 Luật Đất đai năm 2024 quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất; trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm đối với phần diện tích đó”.

Để đảm bảo tính thống nhất với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tại Dự thảo Nghị định quy định cụ thể nội dung về tính tiền thuê đất của đơn vị sự nghiệp công lập như sau: Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập không lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà sử dụng nhà, công trình gắn liền với đất để kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, không nộp tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.

Các đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ thêm các nội dung tại Dự thảo Nghị định như: Căn cứ tính tiền sử dụng đất; diện tích đất tính tiền sử dụng đất; giá đất tính tiền sử dụng đất; tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất; tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính tiền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch chi tiết; xử lý kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất; đơn giá thuê đất; tính tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích