Tiếp thu, sửa đổi các văn bản pháp luật về đo lường theo hướng hài hoà, phù hợp thông lệ quốc tế

Cách đây 71 năm, ngày 20/01/1950, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang diễn ra đầy cam go và ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 08/SL ban hành đơn vị đo lường hợp pháp, trong đó quy định thống nhất đo lường nước ta theo hệ Mét – là hệ đo lường khoa học và tiên tiến trên thế giới lúc bấy giờ. Đây là văn bản luật pháp đầu tiên về đo lường của chính quyền cách mạng nước ta.

Sắc lệnh 08/SL ngắn gọn, súc tích gồm 4 tiết, 11 điều bao quát đầy đủ những vấn đề cần giải quyết về hoạt động đo lường tại thời điểm lịch sử thời bấy giờ, như: thống nhất sử dụng trong cả nước đơn vị đo lường theo hệ mét, quản lý việc sử dụng và sản xuất dụng cụ đo, chế tài xử lý các vi phạm về đo lường, các quy định về thi hành. Sắc lệnh đã nhanh chóng đi vào thực tiễn, đảm bảo sự bình đẳng, quyền lợi của người dân, hiệu lực trong quản lý xã hội; là nền tảng, điểm xuất phát và đánh dấu mốc son lịch sử cho sự ra đời và phát triển của ngành Đo lường Việt Nam.

Tổng quan hệ thống đo lường quốc gia.

Ngày nay, đo lường hầu như có mặt trong toàn bộ chu trình hình thành một sản phẩm, từ khâu thiết kế, chế tạo thử đến việc kiểm tra vật liệu trước khi đưa vào sản xuất; điều khiển, điều chỉnh quá trình công nghệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng; lắp đặt đưa sản phẩm vào sử dụng và bảo hành sản phẩm.

Nhiệm vụ hàng đầu của đo lường trong sản xuất là cung cấp những thông tin sơ cấp dùng trong kỹ thuật xử lý số liệu bằng điện tử và tin học để tối ưu hoá quá trình công nghệ, tối ưu hoá việc sử dụng vật liệu và năng lượng. Đo lường chính là cơ sở, là trung tâm của hệ thống điều chỉnh, điều khiển trong quá trình sản xuất, được coi là một trong ba bộ phận hợp thành của nền sản xuất hiện đại bên cạnh năng lượng và nguyên vật liệu.

Đo lường thống nhất và chính xác còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; là công cụ đắc lực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Trải qua 71 năm, ngành Đo lường Việt Nam đã phát triển không ngừng và đáp ứng yêu cầu trong các giai đoạn lịch sử. Hệ thống các văn bản pháp luật về đo lường được sửa đổi nhiều lần qua các giai đoạn lịch sử đến nay đã tương đối hoàn thiện, bao gồm Luật Đo lường  (2011) và các văn bản dưới luật, phù hợp với trình độ kinh tế – xã hội, khoa học kỹ thuật hiện nay của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu thế thời đại; đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đo lường, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.

Phát huy và kế tục những dấu mốc quan trọng nêu trên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện của Việt Nam đã liên tiếp tham gia và có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong khuôn khổ các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực chính.

Theo đó, công ước Mét (The Convention of the Metre) được hình thành với 17 nước tham gia ký kết vào ngày 20/5/1875 ở Hội nghị toàn thể Cân Đo quốc tế (General Conference on Weights and Measures – CGPM) tại Pari – Pháp. Đây cũng là bước đầu tiên tiến tới hệ đơn vị đo lường đồng bộ trên toàn thế giới hệ Mét (Metric System) và nay là hệ đơn vị đo lường quốc tế SI.

Ngày 10/10/2003, Việt Nam đã chính thức tham gia với tư cách là thành viên thông tấn của CGPM; Từ năm 2004, Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế-OIML (International Organization of Legal Metrology); Từ 01/9/1999 Việt Nam là thành viên chính thức của Diễn đàn đo lường pháp định Châu Á-Thái Bình Dương, APLMF (Asia- Pacific Legal Metrology Forum); Từ năm 1992, Việt Nam là thành viên chính thức của Chương trình đo lường Châu Á Thái Bình Dương – APMP (Asia- Pacific  Metrology Programme).

Từ năm 2000, Việt Nam tham gia vào Nhóm công tác về đo lường pháp định (Working Group of Legal Metrology) trong khuôn khổ của Uỷ ban tư vấn của ASEAN về Tiêu chuẩn và Chất  lượng (ASEAN Consultative Committee on Standardization and Quality- ACCSQ).

Thông qua việc tham gia và có nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi trong khuôn khổ các tổ chức đo lường quốc tế và khu vực nêu trên, Việt Nam đã học tập kinh nghiệm xây dựng, phát triền và hài hòa các văn bản quản lý về đo lường. Như vậy, có thể nói tổng quan là các văn bản quản lý về đo lường của Việt Nam đang hài hòa, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích