Tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến

Tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến

Trong giai đoạn tới, ngành vật liệu cần tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến, chế tạo một số chủng loại vật liệu đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ sản xuất trong nước.

Đó là một trong những định hướng được đưa ra tại hội thảo “Xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng công nghệ vật liệu tại khu vực phía Nam”, nhằm định hướng khung chương trình, các lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu và phát triển công nghệ vật liệu giai đoạn 2021-2030.

tm-img-alt
Hội thảo “Xác định nhu cầu và khả năng đáp ứng công nghệ vật liệu tại khu vực phía Nam”

Mục tiêu của Chương trình KC.02

– 50% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng trong thực tiễn, trong đó 20% số nhiệm vụ có khả năng thương mại hóa.

– 70% công nghệ, dây chuyền, thiết bị tạo ra có tính năng tương đương với sản phẩm tiên tiến cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu” (Chương trình KC.02/21-30) được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-BKHCN ngày 8/7/2022.

Chương trình đưa ra một số nhóm sản phẩm công nghệ vật liệu được khuyến khích nghiên cứu và tài trợ kinh phí thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất là các vật liệu tiên tiến như nano, in 3D, quang điện tử, vật liệu từ, vật liệu ghi nhớ hình dạng…

Thứ hai là các loại vật liệu có tính năng đặc biệt như vật liệu hợp kim đặc chủng có độ sạch cao, vật liệu độ cứng cao, bền nhiệt, chịu mài mòn, đất hiếm, composit độ bền cao, vật liệu nhẹ, chống cháy, chống tia tử ngoại, kháng khuẩn,…

Thứ ba là các loại vật liệu mới bao gồm kim loại và hợp kim.

Thứ tư là các vật liệu sử dụng trong các ngành hóa chất, sơn, phân bón, giả da, da thuộc, y sinh, tích trữ và chuyển đổi năng lượng, xây dựng, xử lý ô nhiễm môi trường,… cũng được khuyến khích nghiên cứu.

Theo  báo cáo của Chủ nhiệm chương trình KC.02 – GS Nguyễn Quang Liêm: giai đoạn 2016-2020, chương trình đã thực hiện 29 đề tài nghiên cứu, 5 dự án sản xuất thử nghiệm. Tổng kinh phí được cấp hơn 348 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách khoảng 187 tỷ đồng.

Trong giai đoạn tới, ngành vật liệu cần tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ tiên tiến, chế tạo một số chủng loại vật liệu đáp ứng nhu cầu cấp thiết phục vụ sản xuất trong nước. Đồng thời, hình thành và phát triển một số vật liệu ở quy mô công nghiệp có tiềm năng và lợi thế phát triển của Việt Nam, nhằm thay thế nhập khẩu, phục vụ các ngành kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Các loại vật liệu tiên tiến nếu được triển khai ứng dụng sẽ mang lại giá trị thặng dư kinh tế rất lớn so với các vật liệu truyền thống hiện nay. Đối với vật liệu có tính năng đặc biệt, nếu được ứng dụng sẽ giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích