Tiếp sức giáo viên mầm non tư thục vượt “bão” Covid-19
Vất vả mưu sinh
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội đã cho học sinh các cấp nghỉ học để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là lúc khó khăn ập đến nhiều hơn với các cơ sở mầm non tư thục và đội ngũ giáo viên, nhân viên thuộc các cơ sở giáo dục này. Trong gần 2 năm qua, những đợt nghỉ cứ kéo dài vì dịch đã khiến nhiều giáo viên mầm non tư thục phải vật lộn để tìm kiếm việc làm và mưu sinh bởi mức thu nhập trong công việc họ có được trước đó vốn không quá dư dả để tạo tích lũy.
“Lương trung bình của giáo viên mầm non là 5-6 triệu đồng/tháng. Với những người làm lâu năm có thể 7-8 triệu đồng. Mức lương này chỉ đủ để chi tiêu hàng tháng và một chút phòng thân ở thành phố” – chị Nguyễn Thị Hương (giáo viên một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm) cho biết.
Dịch Covid-19 bùng phát, đã nhiều tháng trôi qua, giáo viên các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội phải nghỉ dạy. (Ảnh minh họa) |
Từ nhiều tháng nay, trường học đóng cửa, chị Hương phải tạm nghỉ dạy. Dù đã quen hơn so với đợt nghỉ dịch năm ngoái nhưng nỗi thấp thỏm về công việc, thu nhập lại nhiều hơn. Thời gian đầu, chị có chủ động làm thêm một số công việc khác như nhận trông trẻ tại nhà, giúp việc theo giờ… để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí hàng ngày nhưng từ ngày 24/7, Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, công việc không còn, khó khăn càng chồng chất khó khăn. Chị hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để các giáo viên mầm non sớm được đi làm trở lại, ổn định cuộc sống
Qua ghi nhận, thời gian qua, số lượng giáo viên mầm non các trường tư thục ở Hà Nội có nhu cầu tìm kiếm việc làm đang có xu hướng tăng lên. Tại nhiều hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội, mỗi ngày có đến hàng chục bài đăng tìm kiếm việc làm của các giáo viên mầm non tư thục. Việc làm được tìm kiếm chủ yếu là những công việc không yêu cầu bằng cấp, kinh nghiệm như: Trực page, bán hàng online, nhân viên tư vấn bảo hiểm… Thu nhập từ những công việc này thường không cao nhưng đối với các giáo viên mầm non tư thục phải nghỉ dạy không lương thì đây là số tiền rất cần thiết để có thể trang trải các khoản chi phí sinh hoạt, ăn uống và đi lại.
Động lực để gắn bó với nghề
Với quyết tâm không để người lao động nào bị bỏ lại, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người lao động. Chị Trương Thị Thu Hiền (giáo viên Trường Mầm non tư thục Đức Trí, quận Hà Đông) cho biết: “Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường nên từ đầu tháng 5/2021, tôi phải nghỉ dạy. Là giáo viên ngoài công lập nên nghỉ dạy đồng nghĩa với việc tôi không có lương. Tôi lại đang nuôi con nhỏ, không có điều kiện làm thêm nên mấy tháng qua không có nguồn thu nhập nào, cuộc sống rất khó khăn”.
Mới đây, thông qua Ủy ban nhân dân quận Hà Đông, chị Hiền đã được nhận hỗ trợ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội theo gói hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền trên 4,7 triệu đồng. Hôm được nhận trợ cấp, chị Hiền xúc động bộc bạch: “Sự quan tâm của các cấp chính quyền Thành phố thật kịp thời, đúng lúc. Số tiền này giúp tôi có thêm nguồn trang trải sinh hoạt trong thời gian vẫn còn phải nghỉ việc vì dịch bệnh. Tôi chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo và mong muốn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như tôi cũng được hưởng sự quan tâm này”.
Thấu hiểu những khó khăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non tư thục, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thực có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vừa qua, những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội tổ chức đã lăn bánh, chở “yêu thương” đến khắp các địa bàn quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” thực hiện trao quà cho đoàn viên, người lao động, trong đó có cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non tư thục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mỗi suất quà trị giá 200.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu như: gạo, đồ hộp, dầu ăn…
Bày tỏ niềm cảm kích trước sự quan tâm, sẻ chia từ tổ chức Công đoàn, chị Nguyễn Thị Ngọc Lệ (giáo viên Trường Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên, quận Hà Đông) cho biết: “Khi thực hiện chủ trương của Thành phố trong việc thực hiện giãn cách xã hội, không chỉ riêng bản thân giáo viên tư thục chúng tôi phải nghỉ việc mà những người thân trong gia đình cũng phải ở nhà, không có việc làm khiến cuộc sống gia đình càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi nhận được sự hỗ trợ, quan tâm từ LĐLĐ Thành phố, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi. Món quà tuy không lớn nhưng lại hết sức có ý nghĩa, là nguồn động viên to lớn đối với chúng tôi; giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, chung tay phối hợp cùng Nhà nước nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19. Tôi mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hơn những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” như thế này để không chỉ chúng tôi mà nhiều người lao động khác cũng sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn”.
LĐLĐ quận Hà Đông trao quà cho giáo viên Trường Mầm non tư thục Thái Học từ chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” |
Không giấu được sự xúc động, bà Phạm Liên Hằng (Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thực Thái Học, quận Hà Đông) rất phấn khởi khi ngày 12/8 vừa qua, người lao động tại Trường Mầm non tư thục Thái Học nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia từ LĐLĐ quận Hà Đông. Theo bà Phạm Liên Hằng, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trường học phải tạm đóng cửa nên đã 4 tháng nay các giáo viên, nhân viên tại trường không có lương. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình.
“Thay mặt cho người lao động, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến LĐLĐ quận cũng như sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp Công đoàn. Món quà đối với người lao động từ chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” của LĐLĐ quận Hà Đông thật sự rất quý giá, đầy nghĩa tình; thể hiện đúng với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Sự quan tâm, chia sẻ này là động lực rất lớn động viên tinh thần người lao động, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua khó khăn. Qua đó, chung tay cùng chính quyền địa phương, Thành phố chống dịch để cuộc sống sớm trở lại bình thường như trước đây” – bà Phạm Liên Hằng bày tỏ.
Tại quận Cầu Giấy, bà Nguyễn Thị Thu Hà (Chủ tịch LĐLĐ quận Cầu Giấy) cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã cho học sinh các cấp nghỉ học để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian nhiều giáo viên, nhân viên ở các cơ sở mầm non, trong đó có mầm non tư thục gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, LĐLĐ quận đã trao tặng 82 “Túi An sinh Công đoàn” cho đoàn viên Công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc các trường mầm non trên địa bàn.
“Mỗi “Túi An sinh Công đoàn” gồm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu với trị giá hơn 200 nghìn đồng/túi, thể hiện tình cảm của tổ chức Công đoàn quận nhằm hỗ trợ phần nào khó khăn của các gia đình người lao động” – bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin.
Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, thông qua “Chuyến xe siêu thị 0 đồng”, LĐLĐ quận đã trao 76 “Túi An sinh Công đoàn” cho 76 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Hoa Anh Đào và 55 “Túi An sinh Công đoàn” cho 55 cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Lê Quý Đôn.
Tin chắc, với sự quan tâm, vào cuộc kịp thời của Thành phố nói chung và các cấp Công đoàn Thủ đô nói riêng, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở mầm non tư thục sẽ sớm vơi bớt khó khăn, có thêm động lực để gắn bó và cống hiến, góp sức trong công cuộc trồng người.
Nguồn: Báo lao động thủ đô