Tiếp nối truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào
Tòa nhà Quốc hội mới của Lào là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt-Lào.
Toàn cảnh Tòa nhà Quốc hội mới của Lào. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN) |
Sau 37 tháng xây dựng trong những điều kiện khó khăn chưa từng có tiền lệ, công trình Tòa nhà Quốc hội mới, quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, đã hoàn thành và chính thức được bàn giao trong ngày hôm nay 10/8.
Công trình là sự tiếp nối truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển của cả hai nước và là một trong những biểu tượng của quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam.
Nằm giữa quảng trường Thatluang, trung tâm thủ đô Vientiane, Tòa nhà Quốc hội mới của Lào được xây dựng trên nền nhà Quốc hội cũ. Đây là công trình do Bộ Xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư, Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng Việt Nam làm tổng thầu xây dựng…
Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, họa tiết, hoa văn mang đậm bản sắc, phong tục truyền thống của Lào và các giải pháp công nghệ, thiết bị hiện đại, kỹ thuật, công nghệ quản lý thi công tiên tiến của Việt Nam. Đây cũng là tòa nhà được các cấp lãnh đạo của Lào đánh giá rất cao về chất lượng và cho là công trình giữ kỷ lục nhất tại Lào.
Với kinh phí phí đầu tư trên 111 triệu USD, công trình Tòa nhà Quốc hội mới của Lào được lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ hiện tại của đất nước Triệu Voi.
Công trình gồm 5 tầng nổi và 1 tầng hầm có sức chứa từ 800-1.000 người. Đây là nơi sẽ diễn ra các kỳ họp của Quốc hội Lào, nơi làm việc của lãnh đạo quốc hội, chuyên viên và cán bộ Văn phòng Quốc hội Lào.
Ngoài ra, công trình được bố trí nhiều không gian đa năng, linh hoạt phục vụ tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế, hội họp, đào tạo, tổ chức sự kiện và nghi lễ quan trọng của quốc gia…
Tòa nhà gồm một hội trường lớn, với điểm nhấn kiến trúc là hệ trần vòm mang hình thức kiến trúc đặc trưng của Phật giáo, bố trí các cửa sổ lấy sáng kết hợp hoa văn trang trí truyền thống của Lào.
Kết cấu thép mái vòm phòng họp chính vượt nhịp 36m có trọng lượng hơn 265 tấn, với gần 42.000 chi tiết là kết cấu được sản xuất, gia công tại Việt Nam trước khi vận chuyển sang lắp đặt tại Lào.
Tòa nhà còn có các hành lang rộng rãi, các phòng họp lớn, trung bình và nhỏ, văn phòng làm việc cho các thành viên ủy ban thường vụ quốc hội…
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng, cho biết công trình được thiết kế rất hiện đại, có kết cấu phức tạp, kiến trúc đặc sắc, đặc thù văn hóa Lào với đầy đủ các công năng sử dụng cho hiện tại và tương lai, chính vì vậy, ngay khi được Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tin tưởng, gửi gắm, giao nhiệm vụ thi công tòa nhà, Binh đoàn 11 đã chuẩn bị mọi nguồn lực một cách chu đáo để tổ chức triển khai thi công đảm bảo chất lượng nhất, an toàn nhất, tiến độ nhất.
Do đặc thù của công trình, nên trong quá trình thi công, Binh đoàn gặp khá nhiều khó khăn và thách thức như thị trường lao động và vật tư chưa đáp ứng được yêu cầu, phải chuyển máy móc, vật liệu từ Việt Nam sang.
Thời tiết Lào mùa mưa thì mưa liên tục, mùa nắng thì nắng dữ dội, khiến việc thi công hết sức vất vả khó khăn.
Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, hơn 1/3 thời gian thi công (16 tháng) diễn ra trong bối cảnh cách ly xã hội do đại dịch COVID-19, dẫn đến việc vận chuyển, nhập khẩu vật tư, vật liệu từ nước ngoài về trở nên hết sức khó khăn, ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch và tiến độ đã đề ra…
Sau 37 tháng thi công, nhờ nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai nước; sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan của hai nước, trong đó có Chủ đầu tư là Bộ Xây dựng Việt Nam, cùng với tinh thần chủ động, sáng tạo, “vượt nắng, thắng mưa” của người lính Cụ Hồ, cán bộ chiến sỹ Binh đoàn 11 đã vượt qua mọi khó khăn thách thức, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo 1.268 ngày thi công an toàn tuyệt đối.
Đến nay, tất cả các hạng mục công việc, các hệ thống kỹ thuật đã hoàn thành và được vận hành, chạy thử trong thời gian dài đảm bảo chất lượng, an toàn, sẵn sàng cho công tác bàn giao.
Tòa nhà Quốc hội mới của Lào là công trình có ý nghĩa chính trị-đối ngoại, biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt-Lào.
Đánh giá về chất lượng công trình trong lần đến thăm và kiểm tra tiến độ mới đây, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trug ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào Thongloun Sisoulith khẳng định công trình Tòa nhà Quốc hội mới của Lào hiện đang nắm nhiều kỷ lục nhất tại Lào. Đây không chỉ là công trình lớn nhất, phức tạp nhất, hiện đại nhất, mà còn có nhiều hạng mục nhất và có kiến trúc đặc trưng của Lào nhất cho tới nay.
Chính vì vậy, ông hết sức ấn tượng và đánh giá cao nỗ lực vượt khó, tinh thần trách nhiệm và tay nghề của các cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 11, dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng vẫn hoàn thành được một khối lượng công việc khổng lồ với chất lượng rất tốt, xứng danh với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ.”
Tổng Bí thư Lào khẳng định Công trình tòa nhà Quốc hội mới của Lào, xứng đáng là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào.
Đánh giá về ý nghĩa của công trình Tòa nhà Quốc hội mới, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane nhấn mạnh trong suốt những năm tháng qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em lúc nào cũng quan tâm, lo lắng, ủng hộ và có những giúp đỡ to lớn, quý giá, hiệu quả dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.
Đặc biệt, dù Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trên tinh thần đồng chí, anh em thân thiết, Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới. Đây là dự án có giá trị giúp đỡ cao nhất mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào, là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào trên tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa.”
Theo Chủ tịch Quốc hội Lào, Tòa nhà Quốc hội mới rất trang nhã, nguy nga, có chất lượng mỹ thuật, kiến trúc theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại trong thiết kế và xây dựng, có vẻ đẹp với kiến trúc độc đáo, mang đậm phong cách văn hóa Lào.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cũng đã đến thăm, kiểm tra công trình và khẳng địnhcông trình vô cùng có ý nghĩa bởi đây là món quà, tình cảm “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” đầy tình nghĩa, quý báu mà Việt Nam dành tặng Lào, các thế hệ con cháu người Lào sẽ không bao giờ quên.
Công trình sẽ là di sản thừa kế của mối quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam cho các thế hệ mai sau, là một tài sản vô giá mà nhân dân Lào sẽ mãi gìn giữ bởi đây là tấm lòng chân thành của nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Lào.
Vượt qua những khó khăn vô bờ bến do tác động của đại dịch COVID-19 gây ra, việc công trình Nhà Quốc hội Lào được hoàn thành và bàn giao với chất lượng tốt về mọi mặt là một minh chứng hiện hữu, thực tế và sinh động cho thấy những kết quả ngày càng thực chất, hiệu quả trong hợp tác giữa hai nước, góp phần tiếp tục xây đắp cho quan hệ thủy chung trong sáng, trước sau như một và vô cùng gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào; xứng đáng là món quà tặng ý nghĩa, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào anh em./.
Nguồn: Báo xây dựng