Tiên Yên (Quảng Ninh): Chợ Phiên Hà Lâu nét văn hóa người Dao
(Xây dựng) – UBND huyện Tiên Yên vừa có công văn báo cáo Sở Du lịch Quảng Ninh đăng ký sản phẩm du lịch mới năm 2024 là chợ Phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu. Dư luận nhận thấy là phù hợp và chợ Phiên Hà Lâu không chỉ hoạt động thương mại, thu hút du khách xa gần mà còn là điểm khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống của người thiểu số dân tộc Dao.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Văn Sinh gióng trống khai mạc chợ Phiên Hà Lâu 2024. |
Quảng Ninh có 24 chợ Phiên nhưng chỉ có 4 chợ Phiên diễn ra nhộn nhịp, tập trung nhiều người mua người bán và người đến họp chợ để thưởng ngoại thú vui hòa mình với không gian văn hóa phiên chợ vùng cao của đồng bào dân tộc ít người gồm: Chợ Phiên Bắc Lú – Hà Lâu (Tiên Yên) thường gọi là chợ phiên Hà Lâu, chợ phiên Lương Mông (Ba Chẽ), chợ Phiên Đồng Văn (Bình Liêu), chợ Phiên Pò Hèn (Móng Cái). Các chợ Phiên vùng cao này cùng có nét tương đồng là nơi tập trung người dân tộc Dao sinh sống, họp chợ còn hết hợp với các hoạt động văn hóa – thể thao truyền thống của người thiểu số miền núi, nòng cốt là người Dao.
Chủ tịch UBND xã Hà Lâu Nguyễn Thanh Tùng phát biểu khai mạc chợ Phiên Hà Lâu 2024. |
Chợ Phiên Hà Lâu trầm tích, năm 1965 khi quân Mỹ không kích lần thứ nhất dân tứ xứ sơ tán vào rừng Hà Lâu tránh bom đạn thì chợ phiên diễn ra ổn định ở thôn Bắc Lù. Năm 2001, xã đầu tư xây dựng khu nhà thương mại, dãy nhà chợ truyền thống xây tường bao, mái lợp tôn. Chợ Hà Lâu chính thức được đầu tư xây dựng năm 2003, có tổng diện tích 83,4m2; diện tích mặt bằng chợ 1.769,8m2. Chợ bố trí đủ diện tích cho các hộ kinh doanh cố định, không cố định và các dịch vụ trông giữ xe, vệ sinh công cộng. Nhà chợ chính tường xây dựng bằng gạch nung bán kiên cố theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP. Năm 2018, huyện Tiên Yên nâng cấp quy mô hoạt động chợ phiên Hà Lâu lên tầm chợ phiên văn hóa vùng cao.
Chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu một năm 12 phiên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và huyện Tiên Yên thường đến thăm hỏi, động viên người bán nêu cao nếp sống văn minh thương nghiệp. |
Truyền tục chợ phiên vùng rừng núi khuất nẻo, trước đây chủ yếu là nơi trao đổi nông lâm thổ sản, mua bán nông cụ, dao dựa nghề rừng. Có thương lái người dưới xuôi đến ăn hàng nhưng không giao dịch bằng tiền mặt, mà thường đưa muối biển đến trao đổi đặc sản rừng, ít thì dùng ngựa thồ, nhiều thì đóng bè buông sông suối rừng về xuôi.
Người bán tận tình hướng dẫn người mua phân biệt mã kích rừng tự nhiên với mã kích trồng vườn. |
Vùng rừng Đông Bắc núi cao, suối sâu hiểm trở ngày trước đi lại theo đường mòn luồn rừng, người khỏe chân hạ sơn xuống chợ cũng phải mất đẫy ngày đường. Khi cơn mưa bất chợt đổ xuống, lũ rừng sầm sập kéo về tắc nghẽn giao thông là phải ăn đường ngủ chợ hàng tuần lễ; theo đó chợ phiên dôi nhật và mở mang thêm hàng quán ăn uống giải khát. Đường sá cách trở kéo kẻ mua người bán tự xích lại gần nhau, tụ tập vui chơi, múa hát tập thể theo phong tục địa phương.
Chợ phiên Hà Lâu họp vào tuần thứ tư hàng tháng. |
Trai làng gái bản thì kèn sáo – ca hát bắt chuyện làm quen, nhiều đôi nam nữ nên vợ nên chồng nhờ phiên chợ. Các cụ bảo, “Trai khôn tìm vợ chợ đông – Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân”, chợ phiên năm lại năm dần dà trở thành điểm gặp gỡ trao duyên nam nữ. Chợ phiên như ông tơ – bà mối se duyên trai làng gái bản trong hương sắc của núi rừng Đông Bắc, nhưng không gọi là chợ tình như đâu đó ở vùng rừng Tây Bắc.
Du khách đặt chân đến sạp hàng ít khi ra về tay không, thường là mua hàng vì người bán hàng xởi lởi, vui vẻ. |
Xã Hà Lâu là một trong 6 xã vùng cao của huyện Tiên Yên, diện tích đất tự nhiên 15.359,43ha, đất lâm nghiệp 15.006,5ha, đất sản xuất nông nghiệp 131,5ha, đất phi nông nghiệp 158,1ha. Dân số 549 hộ, 2.701 người, 99% dân số là người thiểu số, dân tộc Dao đông nhất chiếm 70%, dân tộc Tày chiếm 29%. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 64,5 triệu đồng/người/năm. Năm 2022, xã Hà Lâu đạt 19/19 tiêu chí; 75/75 chỉ tiêu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Dân bản các xã Châu Sơn, Bắc Lãng, Kiên Mộc của huyện Đình Lập, Lục Bình (Lạng Sơn) thường đến họp chợ Hà Lâu mua và bán. |
Chợ phiên Bắc Lú ở xã Hà Lâu 70% là người dân tộc Dao. Các sạp hàng, quán hàng, văn hóa ẩm thực, các hoạt động văn hóa thể thao có sự giao thoa, hội nhập văn hóa truyền thống của các dân tộc bạn nhưng văn hóa người Dao vẫn là nòng cốt. Cụ thể, sạp hàng thêu thùa y phục người Dao là nổi trội nhất, các quầy bán nông cụ dao rừng cùng là vật dụng người Dao thường dùng.
Chương trình văn hóa nghệ thuật như Lễ hội cấp sắc, lễ rước dâu, sái mả, ấp trứng, thi thêu, cầu lông gà, trình diễn bản sắc văn hóa dân tộc Dao… bắt nguồn từ văn hóa người Dao. Chợ phiên Bắc Lú nay có sự giao hòa văn hóa các dân tộc bạn như đi cà kheo, bịt mắt bắt vịt, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy, bóng đá nữ… làm cho chợ phiên văn hóa vùng cao Bắc Lú, Hà Lâu thêm hấp dẫn đa sắc màu văn hóa.
Nông thổ sản bán ở chợ phiên vùng cao thường rẻ hơn dưới chợ huyện. |
Mở rộng tìm hiểu, huyện Tiên Yên thời phong kiến từng là trấn lỵ của tỉnh Hải Ninh với 6 tổng gồm cả vùng Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, một phần huyện Đình Lập và đảo Cái Bầu của huyện Vân Đồn. Thời thuộc Pháp, Tiên Yên là khu kinh tế sầm uất, căn cứ quân sự lớn nhất của quân Pháp, hiện còn trên 185 di tích, phế tích công trình xây dựng nhà cửa, đồn bốt có niên đại trên 100 năm. Năm 1955, Chính phủ ra Nghị định tái lập thị xã Tiên Yên, thuộc tỉnh Hải Ninh.
Tiên Yên là cửa biển của vùng Đông Bắc và Tây Bắc bộ với điểm đầu Quốc lộ số 4 (đường vành đai biên giới I xây dựng thời thuộc Pháp) là cảng biển Mũi Chùa đến tỉnh Lai Châu dài 687km. Xã Hà Lâu gần trục đường Quốc lộ 4, có lợi thế về địa lý, cư dân các xã Châu Sơn, Bắc Lãng, Kiên Mộc của huyện Đình Lập, Lục Bình (Lạng Sơn); xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu thường quen họp chợ Phiên Hà Lâu.
Từ tháng 10/2018 đến nay, chợ Phiên Hà Lâu đã thu hút được 3 vạn lượt du khách thập phương. |
Xã Hà Lâu từ lâu là một trong số các trung tâm thương mại vùng rừng Đông Bắc bộ, các cô gái trẻ người Dao sinh sống nơi khí hậu mát mẻ, da dẻ trắng hồng lại được thừa hưởng tinh hoa làm thương mại của ông bà nên ai cũng khéo nội trợ, còn hoạt bát giao thương buôn bán. Du khách khó tính khi đặt chân đến sạp hàng ít khi ra về tay không, thường là mua hàng vì người bán hàng xởi lởi, thuận mua vừa bán vui vẻ.
Chợ Hà Lâu xây dựng quy củ năm 2003, có tổng diện tích 83,4m2; diện tích mặt bằng chợ 1.769,8m2. |
Ngày 23/7/2021, HĐND huyện Tiên Yên có Nghị quyết số 47/NQ-HĐND thông qua đề án xây dựng chợ phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu; theo đó ngày 18/10/2021, UBND huyện Tiên Yên ra Quyết định số 6269/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chợ Phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu nâng quy mô đón 1.000 – 3.000 du khách/phiên chợ. Chợ Phiên văn hóa vùng cao Hà Lâu mỗi tháng họp chợ 1 lần vào ngày chủ nhật tuần thứ tư.
Từ tháng 10/2018 đến nay, chợ Phiên Hà Lâu đã thu hút được 3 vạn lượt du khách thập phương; tuy còn sơ khai nhưng đã trở thành một địa chỉ hấp dẫn khách du lịch và điểm thú vị với những người có sở thích tìm kiếm nét văn hóa người Dao.
Một số hoạt động văn hóa thể thao diễn ra tại chợ Phiên Hà lâu:
Thi gói bánh chưng gù.
Thi đẩy gậy.
Thi thêu thùa.
Các cô gái trẻ người Dao sinh sống nơi khí hậu mát mẻ, da dẻ trắng trẻo, khéo tay thêu thùa.
Thi đấu giải bóng đá nữ các khe bản.
Nguồn: Báo xây dựng