Tiến sĩ người Việt chế tạo cánh tay robot in 3D trực tiếp trong cơ thể
Nhóm nghiên cứu tại Đại học New South Wales, Australia do TS. Đỗ Thanh Nhỏ dẫn đầu và các cộng sự đã chế tạo cánh tay robot mềm siêu nhỏ, có đầu in 3 trục có thể uốn cong, di chuyển linh hoạt trong cơ thể và in 3D sinh học lên bề mặt nội tạng và mô. Thiết bị luồn vào cơ thể thông qua đường miệng và trực tràng, tái tạo mô bị tổn thương của các bộ phận bên trong cơ thể như ruột, dạ dày, gan, thận, tim, phổi, thậm chí mạch máu.
TS. Đỗ Thanh Nhỏ, Giám đốc Phòng thí nghiệm Robot Y tế, Đại học New South Wales, Australia nói: “Phương pháp truyền thống cấy ghép vật liệu 3D sinh học vào cơ thể đa số phải mổ hở. Nhưng quá trình này có nguy cơ nhiễm trùng và mất nhiều máu. Đây là lý do chúng tôi quyết tâm phát triển một thiết bị in trực tiếp vật liệu sinh học bên trong cơ thể”.
Thiết bị F3DB in 3D sinh học trên bề mặt nội tạng. (Ảnh: NVCC)
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thiết bị in trong trực tràng nhân tạo và trên bề mặt thận lợn, tim lợn, thử nghiệm với các vật liệu khác nhau, trong đó có vật liệu sinh học tích hợp tế bào sống. Kết quả cho thấy, tế bào sinh học không bị ảnh hưởng bởi quá trình in 3D, đa phần các tế bào vẫn sống và 7 ngày sau khi in, số lượng mô tăng gấp 4 lần.
GS. Nigel Lovell, Giám đốc Viện Công nghệ sức khỏe Tyree Ihealth, Australia cho biết: “In 3D sinh học hiện nay được tạo ở bên ngoài cơ thể, chúng rất mềm và dễ vỡ trong quá trình cấy ghép vào bên trong cơ thể. Việc chế tạo thử nghiệm thành công công nghệ in 3D vừa in trực tiếp vào bên trong cơ thể sống, vừa được thiết kế như công cụ mổ nội soi đa năng được giới chuyên môn đánh giá cao”.
Hiện nhóm nghiên cứu đã nộp bằng phát minh sáng chế cho công nghệ này. Công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in 3D sinh học và mổ nội soi.
Bảo Lâm