Tiền nhiều để làm gì?

Phạm trù cá nhân, tiền là công cụ để nuôi sống, phục vụ bản thân. Bởi vậy, mỗi chúng ta bắt buộc phải kiếm tiền để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Trên cơ sở đó, người có khả năng, thông minh thì sẽ kiếm được nhiều tiền, cuộc sống sung túc hơn, tính thụ hưởng cũng cao hơn. Người kiếm tiền ít, thì trang trải cuộc sống sẽ khó khăn hơn, nhu cầu thụ hưởng cũng ít hơn.

Trên bình diện xã hội, thậm chí quốc gia, dân tộc, những người vốn đã kiếm được nhiều tiền họ vẫn không ngừng nghỉ, lao vào công việc sản xuất- kinh doanh không hẳn vì họ muốn giàu hơn, thụ hưởng nhiều hơn mà họ muốn góp phần làm cho đất nước giàu mạnh, giúp nhiều người có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định. Ví dụ, các ông chủ tập đoàn lớn ở Việt Nam hiện nay, nếu hiểu góc độ thông thường làm giàu để “thụ hưởng” thì với số tài sản hiện có, họ có thể dừng việc kinh doanh, nói theo cách dân gian “sống đến ba đời” cũng không hết tiền.

Tiền nhiều để làm gì?
Ảnh minh họa.

Họ đi du lịch khắp thế giới, lúc nào cũng có mặt ở sân golf. Nhưng không, họ vẫn lao vào “thương trường” để phát triển. Nếu nói về góc độ thụ hưởng vật chất và “cái đầu” được an yên chưa hẳn những ông chủ, bà chủ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã sướng bằng những nhóm đối tượng có lượng tiền tương đối khác trong xã hội (tạm gọi giới thượng lưu).

Lại nói về tiền và tài sản, nếu không nhầm trong dịp đón mừng năm mới 2020, chia sẻ trên trang cá nhân, tỷ phú Bill Gates nói: “Sai lầm lớn nhất của chúng ta là làm việc, tích lũy quá nhiều tài sản để lại cho thế hệ con cháu. Chính điều này, vô tình chúng ta đã tạo ra một thế hệ lười biếng về tư duy và lao động dẫn đến thiếu động lực cho xã hội phát triển. Bởi vậy, bổn phận của chúng ta – những tỷ phú hãy trả lại cho xã hội để góp phần phân bổ nguồn lực, cho mọi người có điều kiện vươn lên”.

Và như vậy, chúng ta có thể hiểu ngoài làm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình, điều quan trọng hơn là “kiếm tiền” để góp phần dựng xây đất nước và vì sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

Nói điều này không có nghĩa là phủ nhận việc làm giàu, làm giàu chính đáng, hợp pháp chính là góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, đất nước phồn vinh. Tuy nhiên, điều đáng tiếc thời gian qua có rất nhiều người giàu lên một cách bất thường, trong đó không dựa vào mồ hôi, nước mắt, sức lao động chân chính do vi phạm pháp luật mà có.

Hàng loạt vụ án tham nhũng, thất thoát, lãng phí mà tòa đã, đang xử; hàng trăm cán bộ cao cấp bị kỷ luật Đảng liên quan đến tham nhũng, thất thoát… là minh chứng sống động. Có một anh bạn làm công chức ở một cơ quan Bộ trong lúc “trà dư tửu hậu” từng tâm sự với tôi rằng: “Nếu có điều ước và mục đích phấn đấu chỉ cần có cái nhà chung cư để ở, có nữa tích lũy cho con; một cái xe ô tô đi làm, một ít tiền tiết kiệm. Thế là quá mỹ mãn rồi”.

Đấy là ước mơ, là mục đích phấn đấu, vậy mà không ít người, những thành phần tham ô, tham nhũng, móc ngoặc lợi ích nhóm vẫn cứ thích có tiền nhiều. Mà xét góc độ tiêu dùng, họ tiêu xài đâu có hết. Vậy câu hỏi đặt ra: “Tiền nhiều để làm gì?”, ta có thể tạm trả lời để góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, làm cho đất nước ngày càng phát triển. Còn “tiền nhiều” dựa trên nền tảng nhét đầy túi tham, tham ô tiền của Nhà nước và nhân dân thì sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui, truy tố!

L. Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích