Tiền lì xì Tết và “sĩ diện” khó hiểu

Đang có cuộc tranh cãi trên một số kênh truyền thông và mạng xã hội về tiền lì xì dịp Tết. Một đạo diễn nổi tiếng đưa ra quan điểm “tiền lì xì là món nợ” và ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến khác nhau, ủng hộ có, phản biện có, thậm chí có những người đề xuất nên xem lại văn hóa cho tiền trẻ em ngày Tết.

Cuộc tranh cãi khiến tôi nhớ lại ký ức về Tết thời thơ ấu – những năm tháng khó khăn nhất của gia đình, khi mẹ tôi mất việc, còn công việc kinh doanh của ba tôi thất bại.

Mọi thứ đến chỉ trong một năm, khiến tôi từ một đứa trẻ được ăn sung mặc sướng lần đầu biết thế nào là một bữa cơm không có thịt. Tôi nhớ những năm ấy, ba tôi thường cằn nhằn mẹ tôi vì chi quá nhiều tiền cho việc lì xì. Ba tôi nói, nhà mình đang khó khăn thì chỉ cần mừng tuổi 5-10 nghìn đồng là được. Nhưng mẹ tôi thì nghĩ khác. Bà vẫn sẽ “mạnh tay” lì xì 50 – 100 nghìn đồng với những mối quan hệ mà bà cho là cần thiết.

Mà để có thể làm việc đó, cái Tết nào bà cũng phải len lén gọi tôi vào phòng, gom hết tiền lì xì mà tôi có để “quay vòng” đi lì xì cho những đứa trẻ khác. Tôi không bao giờ giận mẹ về chuyện “quay vòng” này, nhưng về sau khi kể lại chuyện đó, tôi từng trêu mẹ là “quá ấu trĩ” khi phải làm việc ngoài khả năng của mình. Mẹ tôi giải thích, bà làm thế vì ở một vùng quê nơi gia đình tôi sinh sống, đó là thể diện, là “mặt mũi”, là danh dự của gia đình. Để giữ cho bằng được thể diện đó, dù năm nào cũng “chiến tranh lạnh” với ba tôi, dù sau Tết có thể rơi vào cảnh vài trăm nghìn trong túi để đi chợ cũng không còn, mẹ tôi vẫn không thay đổi thói quen của mình.

Sau này tôi phát hiện ra, không chỉ có ở quê tôi, cũng không chỉ có mẹ tôi, mà thói quen “giữ thể diện” này có ở khắp nơi và ở mọi tầng lớp trong xã hội, trong đủ dịp lễ tết, cưới hỏi.

Một đôi vợ chồng hưu trí mà tôi quen, với mức lương hưu cộng lại được 10 triệu đồng từng than phiền với tôi về việc mùa cưới nào họ cũng rơi vào cảnh nợ nần khi phải “tăng ca” đám cưới. Mỗi đám cưới mừng 50 – 100 nghìn đồng thôi, nhưng vào mùa cưới có ngày họ “chạy sô” tới vài ba đám cưới khiến số tiền lương còm cõi hao hụt đáng kể.

Hai bác kể với tôi rằng, nhiều khi họ nhận được thiệp mời cả từ những người mà chỉ gặp nhau đôi lần, nói chuyện với nhau vài câu khi đi chợ, thậm chí mời cưới cho con cháu. Nhưng họ không bao giờ từ chối bất cứ đám cưới nào, cũng chỉ vì vấn đề “mặt mũi”. Nhiều người sẽ ghi sổ danh sách những người mình đã đi ăn cưới, để sau này đến đám cưới con, cháu sẽ “đòi nợ” lại. Một vòng tròn luẩn quẩn cứ thế lặp đi lặp lại.

Tôi từng đã từng nghe chuyện về những Việt kiều mỗi lần về thăm quê, chỉ vì mạnh tay lì xì cho con cháu trong nhà cho xứng với danh Việt kiều, mà sau đó ra nước ngoài phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác của mình trong nhiều tháng. Tôi cũng từng chứng kiến một cô công nhân đã ăn mì tôm cả tháng trời để tiết kiệm tiền về quê tiêu Tết. Hay có đôi vợ chồng chi cả nghìn USD để lì xì, rồi sau Tết sẽ ngồi cùng con mình, tổng kết lại xem năm nay, so sánh xem nhà nọ, nhà kia có mừng tuổi cho con mình nhiều như mình mừng tuổi cho con họ không, sau đó chốt lỗ lãi trong vụ “kinh doanh” lì xì.

Lại có những chuyện cười ra nước mắt, như có ông bố bà mẹ đông con, cứ mỗi lần đi chúc Tết sẽ mang theo cả 3, 4 đứa con của mình để đảm bảo sự “thắng thế” tuyệt đối về tiền lì xì. Không ít lần tôi nghe những lời chia sẻ nửa đùa nửa thật về việc mình quá ít con hoặc chưa có con nên bị “lỗ” tiền lì xì, hoặc bực bội vì đúng lúc nhà đông khách thì con mình lại mải chơi chạy đâu mất. Mỗi lần nghe thấy như vậy, tôi chỉ biết thở dài vì những người độc thân như tôi năm nào cũng “về bét”.

Văn hóa lì xì có ở nhiều quốc gia trên thế giới và được nhiều người cho rằng bắt nguồn từ Trung Quốc. Tương truyền thời xưa có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa để quấy nhiễu trẻ em. Nhưng một hôm, có 8 vị tiên đã xuất hiện, hóa thành 8 đồng tiền đặt cạnh gối của những đứa trẻ ấy để đuổi quái vật. Từ đó vào dịp giao thừa, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc thường gói 8 đồng tiền vào một tấm vải đỏ, đặt ở dưới gối của con, để xua đuổi quái vật, cầu mong cho con cái mình được khỏe mạnh, yên bình mà lớn lên. Sau một tuần đặt dưới gối, đứa trẻ mới được mở tấm vải có gói 8 đồng tiền đó ra.

Từ Trung Quốc, văn hóa lì xì lan rộng ra nhiều quốc gia châu Á, trở thành một phong tục đẹp mỗi dịp lễ Tết. Nhưng dần qua năm tháng, ý nghĩa ban đầu của phong tục đó nhạt nhòa, hoàn toàn tỷ lệ nghịch với giá trị của số tiền trong bao lì xì. Nó khiến cho dịp Tết Nguyên đán – lẽ ra là thời khắc đoàn viên và nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, lại trở thành gánh nặng với những người vốn còn nặng nỗi lo cơm áo…

Tôi rất thích cách mà một người bạn của tôi lì xì cho trẻ nhỏ trong gia đình và bạn bè xung quanh. Vào dịp Tết, người bạn này của tôi sẽ chuẩn bị rất nhiều voucher (phiếu mua hàng) để nhét vào lì xì với đủ những bất ngờ thú vị bên trong: đôi khi là voucher miễn phí để mua sách, một bộ đồ chơi, thậm chí một chuyến du lịch; nhưng cũng không thiếu những món quà nho nhỏ như voucher mua một đôi giày trẻ em, một cái móc chìa khóa ngộ nghĩnh… Dù làm thế có thể còn tốn kém hơn cả việc lì xì bằng tiền, nhưng bạn tôi vẫn lựa chọn cách làm tốn thời gian đó, vì bạn tôi cho rằng, nó mang lại nhiều ý nghĩa hơn so với cách lì xì truyền thống.

Thật ra sẽ rất khó để có thể phán xét ai đúng, ai sai trong việc lì xì nhiều hay ít, vì đó vốn là quyền cá nhân của mỗi người. Nhưng chừng nào mà chúng ta lì xì cho trẻ nhỏ chỉ với thuần túy một mục đích là chúc phúc chứ không phải để giữ thể diện hay toan tính lấy lòng lẫn nhau, chừng nào những chiếc bao lì xì không trở thành nỗi ám ảnh với người lớn, chừng nào người công nhân không phải ăn mì tôm để có tiền về quê lì xì Tết, thì chừng đó, phong tục này mới trở về đúng mục đích trong sáng ban đầu của nó.

Văn hóa lì xì ngày Tết vốn tốt đẹp nếu như nó không bị biến tướng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích