Tiên Lãng (Hải Phòng): Bị buộc tháo dỡ, trạm trộn bê tông không phép vẫn tồn tại
(Xây dựng) – Mặc dù bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, song trạm trộn bê tông xây dựng không phép tại xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng) vẫn ngang nhiên tồn tại.
Trạm trộn bê tông xây dựng không phép tại xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. |
Theo phản ánh của bạn đọc, dù được UBND xã Tây Hưng cho thuê đất với mục đích để nuôi trồng thủy sản, thế nhưng hộ gia đình ông P.X.T lại sử dụng đất xây dựng trạm trộn bê tông. Bên cạnh đó, ông P.X.T còn ngang nhiên san lấp, tập kết vật liệu xây dựng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Việc các xe chở vật liệu xây dựng, đất, cát… đi vào trạm trộn bê tông, bãi tập kết vật liệu xây dựng nhưng không được che chắn đúng quy định làm ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Để khách quan làm rõ những phản ánh của bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Rần – Chủ tịch UBND xã Tây Hưng (huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng). Tại cuộc làm việc, ông Phạm Văn Rần – Chủ tịch UBND xã Tây Hưng xác nhận hộ gia đình ông P.X.T xây dựng một trạm bê tông khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép; san lấp bãi tập kết vật liệu xây dựng không đúng địa điểm được cấp phép.
Chính quyền địa phương cùng với các đơn vị chức năng có thẩm quyền đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục vi phạm – Chủ tịch UBND xã Tây Hưng cho biết thêm.
Theo ông Phạm Văn Rần – Chủ tịch UBND xã Tây Hưng, bãi tập kết vật liệu xây dựng trên không đúng địa điểm được cấp phép. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 04/5/2023, Đoàn kiểm tra gồm: Hạt Quản lý đê điều Tiên Lãng; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiên Lãng phối hợp với UBND xã Tây Hưng đã lập biên bản đối với hộ ông P.X.T do có hành vi vi phạm tự ý cho ép cọc bê tông có kích thước 0,2 x 0,2 x 5m gia cố buộc cốt thép bản đáy với mục đích đổ bê tông xây dựng trạm trộn bê tông trên phần diện tích được UBND xã cho thuê thầu với mục đích nuôi trồng thủy sản.
Công trình xây dựng cách chân đê phía ngoài (đê cửa sông) 200m. Cách mép bờ sông khoảng 60m. Đoàn yêu cầu ông P.X.T phải dừng ngay việc xây dựng trạm bê tông và nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về đê điều, đất đai và các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác.
Tuy nhiên, đến 28/09/2023, qua kiểm tra chủ hộ vẫn cố tình không chấp hành mà tiếp tục cho đổ bê tông 10 đế trụ của chân trạm trộn với kích thước mỗi trụ 0,4 x 0,4 x 0,6m tại 05 vị trí cách nhau 4m có diện tích khoảng 24m2.
Xét thấy việc ông P.X.T tự ý xây dựng công trình trên khu vực ngoài bãi đê của sông là vi phạm Điều 26 Luật Đê điều; Luật Đất đai và các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác. Thực hiện Luật Đê điều; Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 24/08/2017 và Quy chế số 22/2023/QĐ-UBND ngày 19/07/2023 về quy chế phối hợp xử lý pháp luật về thủy lợi, đê điều, Đoàn thống nhất yêu cầu ông P.X.T phải dừng ngay các hoạt động xây dựng, nghiêm túc chấp hành các hoạt động vi phạm tự giác tháo dỡ công trình đến ngày 30/08/2023 phải hoàn thành.
Mặc dù các cơ quan chức năng đã lập biên bản, có yêu cầu tháo dỡ, nhưng sau 7 tháng trôi qua công trình trạm trộn bê tông tại xã Tây Hưng không bị cưỡng chế, phá dỡ theo quy định, mà trái lại chủ đầu tư còn ngang nhiên tiếp tục hoàn thiện công trình, sẵn sàng đưa trạm trộn bê tông đi vào hoạt động.
Dư luận không khỏi hoài nghi về năng lực quản lý của chính quyền xã Tây Hưng và mong chờ những biện pháp quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc xử lý công trình vi phạm trên, nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, pháp luật về đê điều trên địa bàn.
Xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện nếu không xử lý dứt điểm vi phạm pháp luật đê điều
Liên quan đến xử lý vi phạm về đê điều trên địa bàn, tháng 7/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng có chỉ đạo yêu cầu UBND các quận, huyện rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi vi phạm đê điều trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền; đối với các trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành quyết định xử phạt; hoàn thiện hồ sơ, thực hiện cưỡng chế thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính khi nhận được kiến nghị xử lý của cơ quan quản lý đê điều; tập trung kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng công trình trái phép; cương quyết thu hồi phần diện tích đất lấn, chiếm, sử dụng sai mục đích theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện nếu không thực hiện nghiêm việc xử lý các vi phạm còn tồn tại và để các vi phạm mới phát sinh không được xử lý kịp thời, hiệu quả…
Nguồn: Báo xây dựng