Tiền Giang đẩy mạnh áp dụng truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc đẩy mạnh TXNG ngày càng được chú trọng. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa chủ lực tỉnh Tiền Giang”.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Ửng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) cho biết, đã đưa ra thị trường 15 sản phẩm phân bón các loại. Khi lựa chọn sản phẩm phân bón của công ty, nông dân cần biết rõ nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng như thế nào. Khi đó, nông dân sẽ tin tưởng sản phẩm của công ty hơn.

Nhận thấy vấn đề cấp thiết đó cùng với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, hiện doanh nghiệp đang xây dựng mã QR để tham gia thực hiện mô hình thí điểm TXNG. “Việc TXNG sẽ giúp doanh nghiệp chống tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng nên rất có ý nghĩa đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị” – ông Ửng cho biết.

Áp dụng TXNG hàng hóa cho các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Báo Ấp Bắc

Đồng ý với quan điểm trên, theo ông Lê Văn Hòa, người đại diện Công ty TNHH Chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng, dự kiến đến cuối năm nay, doanh nghiệp sẽ đầu tư hoàn thành 10 khu chăn nuôi gà tự động hóa với quy mô khoảng 600 ngàn con. Với quy mô và áp dụng công nghệ như của công ty thì việc thực hiện TXNG rất quan trọng. Tới đây, doanh nghiệp sẽ kết hợp với đội ngũ chuyên gia để thực hiện việc TXNG. Công ty hướng đến làm thật chứ không mang tính đối phó”.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Đoàn Thanh Tuyết, đối với doanh nghiệp, TXNG hỗ trợ công tác quản trị nội bộ nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng…, từ đó sẽ mở rộng được thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, TXNG là kênh thông tin quan trọng để đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tìm hiểu về thông tin nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mà họ mua, nắm bắt được từng công đoạn trong quá trình sản xuất hàng hóa. Từ đó giúp người tiêu dùng hạn chế mua hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.

Thời gian tới, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Tiền Giang ông Cao Thanh Hùng cho biết, sẽ chọn 20 doanh nghiệp để thực hiện, đơn vị chủ trì sẽ hỗ trợ thêm 20 doanh nghiệp nữa. Với vai trò cơ quan quản lý, sau khi thực hiện nhiệm vụ TXNG, Chi cục sẽ kiểm tra kỹ để thông tin đưa lên Cổng thông tin TXNG đảm bảo chính xác.

Định hướng năm 2025, Sở KH&CN Tiền Giang sẽ tiếp tục phát triển hệ thống TXNG thành hệ thống đa ngành nghề, đa ngôn ngữ nhằm xuất khẩu hàng hóa ra nhiều nước trên thế giới. Từ đó kết nối được các chuỗi cung ứng trong nước và ngoài nước.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích