Tiền Giang chủ động ứng phó xâm nhập mặn đang tăng dần
Tiền Giang chủ động ứng phó xâm nhập mặn đang tăng dần
Từ ngày 1 đến ngày 10/3, chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: Trên sông Tiền, phạm vi xâm nhập mặn 50 – 55 km; trên sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 65 – 72 km.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, trong ngày 2/3, tình hình xâm nhập mặn trên sông Tiền tiếp tục tăng.
Cụ thể, độ mặn đo được tại cống Xuân Hòa là 3,98 g/l, Công viên Lạc Hồng 2,86 g/l, cầu Trường Chính Trị 1,94 g/l, cầu Xoài Hột 1,25 g/l, cầu Kinh Xáng 0,53 g/l, cầu Kim Sơn 0,38 g/l. Đặc biệt, mặn đã xâm nhập đến cầu Phú Phong (xã Phú Phong, huyện Châu Thành) với độ mặn đo được là 0,02 g/l.
Trước diễn biến trên, tất cả các cống ngăn mặn tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, Dự án Bảo Định, Dự án Phú Thạnh – Phú Đông đều đóng ngăn mặn. Riêng các cống trên đường tỉnh 864 gồm: Cầu Cống, Rạch Gầm đóng ngăn mặn; Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn, Chùa 1 vận hành tự do.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Thịnh, những ngày qua, theo quy luật thì xâm nhập mặn sẽ giảm. Tuy nhiên, do tác động của gió chướng mạnh, chân triều không xuống thấp được nên độ mặn trên sông Tiền tăng nhanh.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, mực nước trên sông Mê Kông ít biến đổi trong tuần qua. Lưu lượng nước qua trạm Kratie trong 10 ngày đầu ở mức nhỏ hơn so với cùng kỳ năm 2023 khoảng 14,5% và lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 9,9%.
Mực nước tại Kompong Luong ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và TBNN khoảng 0,17 – 0,39 m, dung tích Biển Hồ nhỏ hơn TBNN khoảng 0,36 tỷ m3. Mực nước trong 10 ngày qua tại Tân Châu là 1,36 m, Mỹ Thuận 1,48 m, Mỹ Tho 1,55 m (ngày 28-2).
Thủy triều vùng hạ lưu sông Tiền lên chậm theo kỳ triều rằm tháng Giêng, mực nước cao nhất xuất hiện vào cuối tuần và ở mức thấp.
Độ mặn lớn nhất thực đo tại các vùng cửa sông xuất hiện cuối tuần, ở mức lớn hơn so với năm 2023 và nhỏ hơn cùng kỳ năm 2016. Ranh mặn 4 g/l cách cửa sông Tiền khoảng 40 – 42 km.
Từ ngày 1 đến ngày 10/3, chiều sâu ranh mặn 1‰ trong thời kỳ này có khả năng như sau: Trên sông Tiền, phạm vi xâm nhập mặn 50 – 55 km; trên sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 65 – 72 km.
Hiện nay, gió chướng thổi mạnh, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang diễn biến phức tạp. Hầu hết các hệ thống sông, rạch gần biển có độ mặn đang tăng dần, có nguy cơ uy hiếp vùng trồng cây ăn trái ven sông Tiền. Công tác ứng phó với thiên tai của chính quyền và người dân địa phương đang tiến hành rất khẩn trương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, nhằm đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phía bên trong công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2023 – 2024, Sở đã có công văn về việc vận hành đóng ngăn mặn cống âu Nguyền Tấn Thành.
Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 vận hành đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành từ ngày 7-3-2024.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị