Tiền điện tử xanh: Giải pháp mới tránh ô nhiễm môi trường?
Tiền điện tử xanh: Giải pháp mới tránh ô nhiễm môi trường?
Quá trình khai thác tiền kỹ thuật số đòi hỏi sức mạnh tính toán to lớn, đồng nghĩa với việc tiêu hao đáng kể năng lượng. Do đó, cần có giải pháp giảm mức tiêu thụ năng lượng cho hoạt động này.
Theo Tạp chí The Conversation, trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu tăng cao, người dân toàn cầu ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những ảnh hưởng từ hoạt động của các loại tiền kỹ thuật số đối với môi trường.
Theo dự báo của ngành, thị trường tiền điện tử toàn cầu sẽ đạt 4,94 tỷ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, quá trình khai thác các loại tiền kỹ thuật số như Bitcoin đòi hỏi sức mạnh tính toán to lớn, đồng nghĩa với việc tiêu hao đáng kể năng lượng.
“Các thợ đào” sử dụng phần cứng có công suất lớn để giải các phép toán phức tạp, nhằm đảm bảo quá trình giao dịch và “đúc” ra những đồng xu (coin) mới. Quá trình này được gọi là “bằng chứng công việc” (PoW), một dạng thuật toán đồng thuận yêu cầu các “thợ đào” phải dành sức mạnh điện toán để hoàn thành một nhiệm vụ. Do vậy, quá trình này tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Hãy tưởng tượng “một chiếc khóa khổng lồ” có hàng triệu tổ hợp. Tất cả những “thợ đào” đều cạnh tranh với nhau để tìm ra một đáp án phù hợp để mở ra khóa khối (block – một nhóm giao dịch) và kiếm phần thưởng. Sức mạnh tính toán càng lớn, càng nhanh chóng tìm ra “lời giải” cho “phép toán”.
Tuy nhiên, sức mạnh tính toán này đòi hỏi rất nhiều năng lượng, tương tự như việc một chiếc xe hơi phân khối lớn cần tiêu tốn nhiều xăng hơn một chiếc xe có phân khối thấp hơn. Vì vậy, các thợ mỏ đang sử dụng một lượng điện khổng lồ để chạy các máy tính siêu mạnh với thời gian 24/7.
Vào năm 2021, cảnh sát Anh đã đột kích một cơ sở công nghiệp vì nghi ngờ đây là cơ sở trồng cần sa trong nhà. Thay vào đó, họ rất ngạc nhiên khi phát hiện ra một dàn máy chuyên khai thác Bitcoin quy mô lớn đang sử dụng nguồn điện lưới một cách trái phép.
Năm 2021, hoạt động khai thác Bitcoin tiêu tốn năng lượng đủ để xếp thứ 27 trong số các quốc gia trên thế giới, đứng trên cả Pakistan, quốc gia có dân số hơn 230 triệu người. Chỉ một năm sau đó, vào năm 2022, mức tiêu thụ năng lượng dành cho Bitcoin đã vượt qua mức tiêu thụ năng lượng của Phần Lan.
Đã xuất hiện những giải pháp thay thế nhằm giải quyết mức tiêu thụ năng lượng tràn lan từ hoạt động khai thác tiền điện tử. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những đồng tiền điện tử mới này (còn gọi là tiền điện tử xanh) có phải là lựa chọn thay thế khả thi cho tiền tệ truyền thống không?
Sự xuất hiện của tiền điện tử xanh
Tiền điện tử xanh sử dụng quy trình ít tiêu tốn năng lượng hơn, được gọi là “bằng chứng cổ phần” (PoS – proof of stake”) – một cơ chế đồng thuận trong đó yêu cầu các “nút” của mạng lưới dựa trên chuỗi khối phải “đặt cọc” một khoản tiền hoặc token để được tham gia vào việc xác minh các giao dịch trong một khối.
Thay vì cần một máy tính mạnh mẽ, các “thợ mỏ” cần phải có một lượng tiền điện tử nhất định liên quan như một khoản tiền gửi. Nếu ai đó cố gắng gian lận hoặc gây rối hệ thống, họ có thể mất một số tiền điện tử của chính mình.
Cách thức vận hành này yêu cầu những người tham gia sử dụng tiền của chính họ để tham gia xác thực các giao dịch nhằm giúp cho việc xác thực trung thực và an toàn.
Thời điểm bước ngoặt đối với những người quan tâm đến các giải pháp thay thế xanh là quá trình tiền điện tử Ethereum đã chuyển sang cách thức xử lý giao dịch PoS vào tháng 9/2022 thông qua bản cập nhật có tên “The Merge”. Sự thay đổi này đã khiến mức sử dụng năng lượng của Ethereum giảm 99,9%.
Trước khi chuyển đổi, mức tiêu thụ năng lượng của Ethereum ngang bằng với Thụy Sỹ. Sau khi thay đổi, mức sử dụng năng lượng của đồng tiền này gần bằng mức sử dụng của một thị trấn nhỏ.
Thách thức và con đường phía trước
Ngoài Ethereum, một số loại tiền điện tử khác đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực tài chính xanh. Đáng chú ý, Cardano và Solana đang giành được chỗ đứng trên thị trường tiền điện tử. Họ sử dụng ít năng lượng hơn đáng kể, có thể xử lý số lượng giao dịch lớn hơn mà không bị chậm và khẳng định hoạt động xử lý giao dịch này là an toàn.
Bất chấp những lợi ích, việc chuyển đổi sang tiền điện tử xanh vẫn còn nhiều thách thức. Một số người dùng lo lắng PoS có thể kém an toàn hơn PoW. Và những người có nhiều tiền hơn có cơ hội xác thực giao dịch cao hơn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng một nhóm ít người có thể kiểm sát mạng lưới.
Hơn nữa, việc phân phối tiền điện tử ban đầu bằng PoS có thể kém dân chủ hơn, thường mang lại lợi ích cho những người sớm tham gia PoS. Do đó, những người tham gia sớm, những người tích lũy được số lượng lớn tiền số lớn, có thể có ảnh hưởng không cân xứng trên mạng.
Điều này có thể được coi là kém dân chủ hơn vì nó mang lại nhiều quyền lực hơn cho những người giàu có, điều này đi ngược lại tính phi tập trung của tiền điện tử.
Sự phát triển của tiền tệ xanh vẫn tiếp diễn
PoS không phải là thay đổi duy nhất nhằm giải quyết mức tiêu thụ năng lượng của tiền điện tử. Sharding là một phương pháp khác.
Sharding là phương pháp lý tưởng để giảm độ trễ bằng cách chia mạng blockchain thành các phân đoạn độc lập, mỗi phân đoạn có dữ liệu riêng và được tách biệt với các phân đoạn khác.
Điều này giải phóng các máy tính riêng lẻ trên mạng (được gọi là nút) tránh phải xử lý mọi thứ cùng một lúc, từ đó giúp tốc độ giao dịch nhanh hơn đáng kể và chí phí thấp hơn.
Sự đổi mới này không chỉ dừng lại ở hiệu quả. Phương pháp xử lý song song của Sharding giảm thiểu nhu cầu về năng lượng, có khả năng làm cho tiền điện tử trở nên thân thiện với môi trường hơn.
Bản nâng cấp sắp tới của Ethereum, Ethereum 2.0, kết hợp tính năng Sharding để giải quyết các hạn chế hiện tại của mạng tiền tệ này về tốc độ và phí giao dịch. Bằng cách triển khai Sharding theo từng giai đoạn, các nhà phát triển hy vọng đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ trong khi vẫn duy trì tính bảo mật và phân cấp của mạng.
Mặc dù Sharding có vẻ giống như một yếu tố thay đổi cuộc chơi nhưng phương pháp này không hẳn không tồn tại những trở ngại riêng. Việc triển khai phương pháp này một cách hiệu quả đòi hỏi phải lập kế hoạch cẩn thận và kiểm tra nghiêm ngặt để bảo vệ tính toàn vẹn của mạng.
Nhìn chung, Sharding mang đến cái nhìn thoáng qua về một tương lai nơi tiền điện tử có thể xử lý giao dịch nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn và thậm chí giảm tác động đến môi trường hơn.
Tiền điện tử xanh cho thấy công nghệ và tài chính có thể hỗ trợ tính bền vững sinh thái như thế nào và mang đến một mô hình cho những ngành khác học theo. Nhưng rủi ro vẫn luôn hiện hữu. Và trong quá trình phát triển, tiền điện tử xanh cần phải giải quyết các mối lo ngại về bảo mật, tính toàn vẹn của mạng và khả năng tiếp cận không phân biệt.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị