Tiêm ngừa ung thư tử cung để bảo vệ sức khỏe phụ nữ
Tiêm ngừa ung thư tử cung để bảo vệ sức khỏe phụ nữ
Trong thời đại hiện nay, việc đảm bảo sức khỏe cho phụ nữ khỏi nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
1. Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung: Sự gia tăng và tác động đối với phụ nữ
1.1. Thực trạng về căn bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ vẫn duy trì ở mức đáng lo ngại. Theo GLOBOCAN 2020, tỷ lệ mắc mới ung thư cổ tử cung tại Việt Nam là 6,6/100.000 phụ nữ, đứng thứ 5 trong các loại ung thư phổ biến ở phái nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44. Mỗi ngày, có khoảng 7 phụ nữ tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này.
Tính đến thời điểm hiện tại, ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những nguyên nhân top đầu gây tử vong do bệnh lý ung thư ở phụ nữ. Tình trạng này không chỉ tác động đến sức khỏe cá nhân mà còn đặt ra những thách thức lớn liên quan đến việc phát hiện sớm, điều trị, và phòng ngừa trong cộng đồng.
1.2. Ảnh hưởng của ung thư cổ tử cung đối với phái nữ nếu không được tiêm phòng từ sớm
Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ, bao gồm:
– Tác động trực tiếp đến sức khỏe sinh sản: gây ra các triệu chứng như đau đớn tại vùng bụng dưới, ra máu bất thường, rối loạn kinh nguyệt,…
– Tác động gián tiếp đến sức khỏe tổng thể: ung thư cổ tử cung có thể di căn sang các cơ quan khác, khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi,…
– Nguy cơ tử vong cao: do là một trong những nguyên nhân top đầu gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Ung thư cổ tử cung không chỉ là một căn bệnh nguy hiểm với sức khỏe, mà còn là một gánh nặng tâm lý đối với người bệnh. Phụ nữ mắc bệnh thường phải đối mặt với nỗi lo lắng, sợ hãi, thậm chí là trầm cảm. Những cảm xúc tiêu cực này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Để giảm thiểu những ảnh hưởng này, tiêm ngừa ung thư tử cung là một biện pháp hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và giúp phụ nữ duy trì một cuộc sống khỏe mạnh, tích cực.
2. Cơ chế hoạt động của vắc xin phòng HPV trong tiêm ngừa ung thư tử cung
Vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, hay còn được biết đến với tên gọi vắc xin HPV (Human Papillomavirus), đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh và phòng ngừa sự phát triển của tế bào ung thư.
Cơ chế hoạt động của vắc xin là kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể để tạo ra các kháng thể chống lại virus HPV, một trong những nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư cổ tử cung. Khi có sự tiếp xúc với virus, hệ miễn dịch có thể ngay lập tức nhận diện và tấn công nó trước khi có cơ hội gây hại cho cơ thể.
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và cá nhân, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh và bền vững.
3. Quy trình tiêm phòng ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?
3.1. Phác đồ tiêm ngừa ung thư tử cung hiện nay
Tại Việt Nam, có hai loại vắc xin HPV được sử dụng để tiêm phòng ung thư cổ tử cung, đó là:
Vắc xin Gardasil
Đây là vắc xin phòng virus HPV thế hệ đầu tiên, có thể phòng ngừa 4 chủng HPV (bao gồm HPV 6, 11, 16, 18). Vắc xin này được khuyến cáo tiêm cho trẻ em gái và nữ giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi.
Lịch tiêm của vắc xin Gardasil bao gồm 3 mũi tiêm chính, cụ thể:
– Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên.
– Mũi 2: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 2 tháng.
– Mũi 3: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 6 tháng.
Vắc xin Gardasil 9
Đây là vắc xin phòng HPV thế hệ mới, có thể phòng ngừa 9 chủng HPV gây bệnh sinh dục ở cả nam và nữ giới (bao gồm HPV 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58). Vắc xin được khuyến cáo tiêm cho cả hai giới từ 9 tuổi đến 26 tuổi. Lịch tiêm vắc xin Gardasil 9 được chia theo độ tuổi như sau.
Đối với trẻ từ 9 đến 14 tuổi, trẻ sẽ có thể chọn 2 phác đồ tiêm:
– Phác đồ 2 mũi (phác đồ cơ bản): 2 mũi tiêm cần cách nhau từ 6 đến 12 tháng.
– Phác đồ 3 mũi: Nếu mũi tiêm thứ 2 cách mũi thứ 1 dưới 5 tháng thì cần tiêm thêm mũi thứ 3 và tiêm cách mũi 2 ít nhất 3 tháng.
Đối với trẻ trên 15 tuổi, phác đồ tiêm sẽ tương tự với vắc xin Gardasil.
Chị em nên tuân thủ lịch trình tiêm phòng để đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất
3.2. Những lưu ý trước và sau khi tiêm ngừa ung thư tử cung cho nữ giới
Trước và sau khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung, chị em phụ nữ cần chú ý đến một số lưu ý quan trọng để đảm bảo quá trình tiêm phòng diễn ra an toàn và hiệu quả.
Trước khi tiêm phòng
– Nên giữ tâm lý thoải mái, tránh lo lắng căng thẳng trước khi tiêm.
– Nên chọn tiêm vắc xin tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo chất lượng và dịch vụ tiêm chủng.
– Khi tiêm chủng, chị em nên thông báo cho bác sĩ về các thông tin như bệnh lý đang mắc, tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Nếu bạn đang sử dụng thuốc nào hãy thông báo với sbacs sĩ, bao gồm cả thuốc thảo dược và thực phẩm chức năng.
– Kiểm tra sức khỏe trước khi tiêm để đảm bảo có đủ sức khỏe để thực hiện tiêm chủng.
Sau khi tiêm phòng
– Nên theo dõi sức khỏe tại cơ sở tiêm chủng khoảng 30 phút sau khi tiêm để có thể phát hiện kịp thời các phản ứng phụ nguy hiểm có thể xảy ra.
– Khi về nhà chị em vẫn nên theo dõi sức khỏe và các phản ứng của cơ thể sau khi tiêm vắc xin. Nếu bạn có bất kỳ phản ứng nào nghiêm trọng hơn, hãy báo ngay cho bác sĩ.
– Giữ chỗ tiêm sạch sẽ, khô ráo, không chườm đá hoặc xoa bóp tại chỗ tiêm.
– Nên giữ lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Tiêm ngừa ung thư cổ tử cung đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của phụ nữ khỏi căn bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, chị em nên tuân thủ lịch trình tiêm phòng và sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ. Hãy cùng nhau phòng ngừa và lan tỏa thông điệp để chúng ta có thể xóa bỏ gánh nặng của ung thư cổ tử cung và hướng tới một tương lai khỏe mạnh.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị