Tiềm năng và lợi thế phát triển Kinh tế – Xã hội tỉnh Lai Châu
Tiềm năng và lợi thế phát triển Kinh tế – Xã hội tỉnh Lai Châu
Có thể nói tỉnh Lai Châu với thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, tiềm năng phong phú, chính sách cởi mở, Lai Châu đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư.
I. Tiềm năng và lợi thế của tỉnh Lai Châu
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về an ninh – quốc phòng, với đường biên giới dài 265,165 km, có cột mốc nổi tiếng số 17 – 18 nơi thượng nguồn sông Đà, có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng và nhiều lối mở thông thương với Trung Quốc. Lai Châu còn là nơi sinh sống của 20 dân tộc như: Thái, Mông, Kinh, Dao, Giáy, Hà Nhì, Khơ-Mú, Lự…, trong đó có ba dân tộc đặc thù riêng có là Cống, Mảng, La Hủ.
Là Tỉnh có diện tích tự nhiên lớn với 9.068,87 km2, đứng thứ 10/63 tỉnh thành trên cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 526.533,58 ha, chiếm 58,06% diện tích tự nhiên của tỉnh, diện tích bình quân đất đai đầu người là 2,2ha, gấp 6 lần bình quân cả nước.
Đây là cơ hội và chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp, thuỷ sản theo hướng công nghệ cao; phát triển nông thôn mới bền vững, kết hợp nông nghiệp với du lịch; phát huy những thế mạnh về khí hậu, cảnh quan, bản sắc văn hóa độc đáo tập trung phát triển du lịch, chú trọng phát triển du lịch bền vững với các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch xanh thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Lai Châu hệ thống sông, suối dày, độ dốc lớn, cùng với nhiều loại khoáng sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, tạo điều kiện và cơ hội để các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp phát triển các ngành công nghiệp: Thủy điện, khai thác và chế biến sâu khoáng sản, khai thác và chế biến đất hiếm công nghệ cao.
Có thể nói tỉnh Lai Châu với thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện, tiềm năng phong phú, chính sách cởi mở, Lai Châu đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư. Đồng thời, với quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đem đến sự hài lòng cho các Doanh nghiệp, Nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn, tỉnh Lai Châu đang tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tỉnh Lai Châu luôn sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến đóng góp và đồng hành cùng các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”.
- Tiềm năng, lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp
Với lợi thế về diện tích tự nhiên rộng đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trên cả nước, có khí hậu ôn hoà, mát mẻ quanh năm; nằm trên vùng núi cao, thổ nhưỡng phong phú, địa hình đa dạng, rất thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp như: Phát triển kinh tế dưới tán rừng và trồng các loại cây trồng nông, lâm nghiệp; phát triển vùng chè nguyên liệu gắn với chế biến chè chất lượng cao; phát triển trồng và chế biến Mắc ca; trồng rau, hoa và các loại dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Tam Thất đen, Sâm Lai Châu, Thảo quả, nhiều loài cây thuốc quý khác; phát triển vùng sản xuất cây lương thực tập trung với hàm lượng công nghệ cao mang thương hiệu của Lai Châu như trồng và chế biến lúa gạo chất lượng cao với giống lúa đặc sản như séng cù, tẻ râu, khẩu ký,…; từng bước hình thành và phát triển vùng trồng và chế biến cây quế, cây sơn tra trên địa bàn huyện Tân Uyên.
Trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 823 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản và hơn 16.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, là điều kiện rất thuận lợi để tỉnh Lai Châu tận dụng, khai thác phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, thủy cầm. Nhiều vị trí bụng hồ trên sông có diện tích bề mặt rộng với bán kính từ 2 đến 3 km, mực nước sâu vài chục mét, là điều kiện rất thuận lợi, lý tưởng để phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên các hồ.
- Về phát triển công nghiệp
Lai Châu có nguồn tài nguyên phong phú để phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Trên địa bàn Tỉnh đã đăng ký được 169 mỏ và điểm quặng, với nhiều chủng loại khác nhau như đất hiếm, quặng kim loại màu, như: đồng, chì, kẽm, vàng… tỉnh Lai Châu còn có nhiều mỏ đá vôi, nhiều mỏ có hàm lượng canxi lớn, có thể khai thác để phát triển công nghiệp sản xuất xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Đặc biệt, mỏ đất hiếm ở Nậm xe (huyện Phong Thổ), Đông Pao (huyện Tam Đường)… với trữ lượng khảo sát ban đầu khoảng 21 triệu tấn. Là loại khoáng sản rất ít nước trên thế giới sở hữu, các nguyên tố đất hiếm có ý nghĩa quan trọng trong chế tạo thiết bị công nghệ cao, vì vậy đất hiếm mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia, chính vì vậy, khai thác và chế biến loại khoáng sản đặc biệt này là điểm thu hút nổi bật đối với những nhà đầu tư khi đến Lai Châu.
Với mật độ sông suối lớn, từ 5,5 – 6 km/km2, trong đó có một số con sông lớn như: sông Đà, Sông Nậm Mu, Sông Nậm Na… Những con sông này có độ dốc cao, dòng chảy siết đây là một nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
- Về phát triển du lịch
Lai Châu có vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên với dãy núi Hoàng Liên Sơn đứng đầu trong “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, Đèo Ô Quý Hồ, Quần thể hang động Pusamcap, Cao nguyên Sìn Hồ, thác Tác Tình; đặc biệt, Lai Châu còn là nơi sở hữu 06/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước như: Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử… với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phủ đầy rêu xanh cùng biển mây trắng bồng bềnh; không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Lai Châu còn là nơi có bề dày lịch sử, văn hóa phong phú, đặc sắc của 20 dân tộc, con người Lai Châu đôn hậu, thân thiện và mến khách. Lai Châu còn là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng SaPa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; hiện nay, Lai Châu đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 01 cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, giai đoạn (2016-2022) du lịch tỉnh đưa vào khai thác 16 điểm du lịch, trong đó có Bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã được vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019” và được tôn vinh tại Hạng mục giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3; có 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó: 128 cơ sở với 2099 buồng/phòng); lượng khách năm sau cao hơn năm trước. Có thể khẳng định du lịch Lai Châu đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và du khách.
Trong liên kết phát triển du lịch vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Lai Châu được xác định thuộc 1 trong 6 trọng điểm du lịch vùng và quốc gia (trọng điểm du lịch Lào Cai – Lai Châu gắn với cửa khẩu Lào Cai, Sa Pa, Phanxipan và vườn quốc gia Hoàng Liên), nằm trên tuyến du lịch liên vùng “Qua miền Tây Bắc”. Khu du lịch sinh thái cao nguyên Sìn Hồ.
Do đặc thù địa hình núi cao, một số vùng của tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ và sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn du khách, cùng với đó là hệ thống 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng tạo ra các điểm du lịch có tiềm năng phát triển rất lớn.
Hiện nay, Lai Châu được đánh giá là có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới Tỉnh tiếp tục phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn để xây dựng hệ thống sản phẩm đặc thù, chất lượng, có giá trị trên cơ sở các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao tại khu vực và cả nước thời gian tới.
- Thương mại biên mậu
Lai Châu có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng và nhiều lối mở tiểu ngạch với trên 265 km đường biên giới, giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân hai nước tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và giao lưu văn hóa xuyên biên giới.
Ngày 07/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về việc phê duyệt nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng (Việt Nam) – Kim Thủy Hà (Trung Quốc) lên thành cửa khẩu Quốc tế, ngày 06 tháng 10 năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1182/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lai Châu đây là điểm sáng kỳ vọng đưa cửa khẩu Ma Lù Thàng trở thành mũi nhọn để phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa của tỉnh Lai Châu với nước bạn Trung Quốc, đưa quan hệ thương mại song phương giữa các địa phương hai bên biên giới phát triển mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo đúng định hướng.
- Về chính sách thu hút đầu tư
Lai Châu thuộc địa bàn khuyến khích ưu đãi đầu tư cao nhất cả nước, đồng thời tỉnh cũng có chủ trương dành những ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất, đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Chính phủ[1].
Ngoài các chính sách ưu đãi của trung ương các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh Lai Châu (ban hành 2 quyết định, 06 nghị quyết)[2].
II. Mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Để khai thác tối đa, phát huy hiệu quả những với những tiềm năng, lợi thế; tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực cho các nhà đầu tư, tỉnh Lai Châu đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định các mục tiêu cơ bản sau:
- Mục tiêu đến năm 2030
Xây dựng Lai Châu phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện trên tất cả các mặt kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, trên cơ sở phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết các dân tộc, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực; gia tăng đóng góp của ngành dịch vụ, tập trung phát triển kinh tế biên mậu và du lịch gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển công nghiệp năng lượng, khai khoáng, chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng địa phương; nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nhất là hạ tầng liên kết vùng. Khoa học, công nghệ được ứng dụng hiệu quả, kinh tế số phát triển, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Mở rộng hợp tác, hội nhập sâu rộng; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- Tầm nhìn đến năm 2050
Lai Châu là tỉnh biên giới xanh, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện, bền vững; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh thuộc nhóm phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
- Định hướng phát triển
Tỉnh Lai Châu phát triển theo trọng tâm: MỘT TRỤC – HAI VÙNG – BA TRỤ CỘT.
Một trục: Trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo QL.32 – QL.4D – QL.12 nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai qua QL.279, kết nối Than Uyên – Tân Uyên – Tam Đường – Thành phố Lai Châu – Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Trục kinh tế này được củng cố phát triển nhờ nâng cấp tuyến giao thông kết nối thành phố Lai Châu với Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng. Trục kinh tế này sẽ kết nối với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, các KCN, CCN, các trung tâm du lịch, các đô thị động lực và kết nối với cửa khẩu quốc tế.
Hai vùng:
(1) Vùng kinh tế động lực (Gồm các huyện, thành phố: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, TP. Lai Châu, Phong Thổ); Tập trung phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm, văn hóa cộng đồng; sản xuất điện, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến khoáng sản; phát triển đô thị, kinh tế biên mậu.
(2) Vùng kinh tế nông – lâm sinh thái Sông Đà (Gồm các huyện biên giới: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè): Bảo vệ phát triển rừng, trồng quế, mắc ca, cây gỗ lớn, phát triển dược liệu dưới tán rừng (sâm Lai Châu), dịch vụ môi trường rừng. Sản phẩm: cao su, quế, mắc ca, dược liệu và các sản phẩm đặc hữu.
Ba trụ cột: Dịch vụ – Công nghiệp – Nông nghiệp
+ Dịch vụ: Tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu.
+ Công nghiệp: Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông, lâm thủy sản.
+ Nông nghiệp: Tập trung phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.
- Các khâu đột phá phát triển
Từ đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức phát triển của Lai Châu và dự báo kịch bản phát triển nêu trên, có thể xác định 04 khâu đột phá phát triển của Tỉnh trong thời kỳ 2021-2030 như sau:
(1) Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, để đảm bảo tính kết nối của tỉnh với các địa phương trong khu vực, cả nước và thị trường Vân Nam (Trung Quốc); thu hút đầu tư cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP. Phát triển hạ tầng du lịch, nông nghiệp, đô thị để thu hút đầu tư, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hạ tầng công nghệ thông tin để hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
(2)Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: du lịch, thủy điện, nông nghiệp đặc hữu, khoáng sản… Trong đó, tập trung vào việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, sáng tạo, làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của địa phương.
(3) Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là hỗ trợ, đầu tư tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu lao động; khơi dậy khát vọng cống hiến, vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, con người Lai Châu.
(4) Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh và những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến năm 2030, tỉnh Lai Châu xác định cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
- Hoàn thiện thể chế phát triển và liên kết vùng
– Tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp, liên kết, đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch Vùng trung du và miền núi phía Bắc và quy hoạch các địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc.
– Tích cực rà soát, kiến nghị Trung ương sớm điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hiện hành còn bất cập để đáp ứng tốt hơn các điều kiện đặc thù trong phát triển vùng, nhất là sửa đổi, bổ sung chính sách tài chính, chính sách thuế; điều chỉnh tỷ lệ nguồn thu đối với các dự án thủy điện quan trọng và hoạt động xuất, nhập khẩu tại cửa khẩu theo hướng tăng tỷ trọng nguồn thu được phân bổ lại cho tỉnh, cơ chế chia sẻ nguồn nước giữa giữa vùng với vùng đồng bằng Sông Hồng…; kịp thời cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương.
– Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các đô thị, tập trung phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh, bền vững, đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Rà soát, tổ chức lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết, quy hoạch nông thôn đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội; tập trung nguồn lực đầu tư, phấn đấu đạt phần lớn các tiêu chí để thành phố Lai Châu trở thành đô thị loại II sau năm 2030. Cải tạo và nâng cấp các đô thị hiện có, nâng đô thị Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ lên đô thị loại IV; công nhận đô thị Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ), Phúc Than (huyện Than Uyên) là đô thị loại V.
– Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số, công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại và thông minh; coi đây là một trong những khâu đột phá, tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người với các tỉnh trong vùng. Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình giao thông quan trọng có tính kết nối vùng, liên vùng và kết nối với khu kinh tế cửa khẩu tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
+ Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thành tuyến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
+ Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên;
+ Thu hút đầu tư Cảng hàng không Lai Châu tại huyện Tân Uyên.
+ Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu Ma Lù Thàng.
+ Đầu tư nâng cấp, cải tạo và mở mới một số tuyến đường giao thông nội tỉnh, tuyến khu vực biên giới như: đường liên vùng kết nối đường tỉnh 130 – Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, đường tỉnh 128, đường tỉnh 130, đường tỉnh 133, tuyến từ trung tâm huyện Phong Thổ đến cầu Phiêng Đanh, tuyến từ trung tâm huyện Tam Đường đến đường nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tuyến Nậm Lằn – Mốc 17, tuyến Ma Lù Thàng – Vàng Ma Chải, đường liên vùng Pa Vệ Sủ – Pa Ủ… Đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến kết nối chính cơ bản đạt cấp IV; nâng cấp, cải tạo và mở mới các tuyến đường huyện, liên xã và đường tuần tra biên giới.
+ Kêu gọi Thu hút đầu tư xây dựng các bến cảng, bến thủy nội địa, nâng cao hiệu quả khai thác vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu,…; từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải và logistics.
– Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chương trình hợp tác với các địa phương đã ký kết, đồng thời mở rộng hợp tác với địa phương khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và theo đúng pháp luật. Xây dựng và triển khai kế hoạch hành động chung theo các chương trình, dự án cụ thể. Trong đó ưu tiên, tập trung vào các lĩnh vực: Hợp tác xây dựng các công trình liên tỉnh, liên vùng; hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết phát triển các sản phẩm nông nghiệp của vùng.
- 2. Phát triển nhanh và bền vững kinh tế trên địa bàn tỉnh
– Đẩy mạnh tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ứng dụng hiệu quả khoa học – công nghệ vào sản xuất. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 25/2/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hoàn thiện cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu phiên bản 2.0.
– Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, theo cả chiều rộng và chiều sâu gắn kết với trung tâm các chuỗi liên kết phát triển sản phẩm trong vùng; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh theo hướng chuyên sâu gồm: sản xuất điện, chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến sâu khoáng sản (nhất là các mỏ đất hiếm Đông Pao, Nậm Xe,…), sản xuất vật liệu xây dựng,…; thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030 đạt trên 8%/năm.
– Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh và theo kinh tế thị trường; chú trọng xây dựng, phát triển bền vững dịch vụ logistic; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các cửa khẩu. Phấn đấu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân đạt 13%/năm.
Nghiên cứu triển khai các thủ tục đề xuất mở cặp của khẩu khu vực Mốc 17 huyện Mường Tè/Việt Nam – huyện Giang Thành/Trung Quốc.
Phát triển du lịch Lai Châu trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu lĩnh vực dịch vụ của tỉnh, mở rộng và phát triển mạnh các sản phẩm du lịch như: trekking, leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch mới như: nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh, vui chơi giải trí,… Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh lân cận trong vùng và các tỉnh, thành phố lớn trong nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Lai Châu – Lào Cai; Lai Châu – thành phố Hà Nội; thiết lập hành lang du lịch an toàn giữa 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu); 11 tỉnh có di sản Then và Lai Châu (Việt Nam) – 03 tỉnh Bắc Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Bang); Lai Châu (Việt Nam) – huyện Kim Bình, Châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Phấn đấu khách du lịch năm 2030 đạt khoảng trên 2 triệu lượt người.
– Phát triển nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nông nghiệp hàng hóa tập trung, đa dạng theo chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, hữu cơ, xanh, sạch theo Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực của tỉnh: Chè, sâm Lai Châu, mắc ca, các sản phẩm OCOP đặc hữu,…; phát triển trồng mới các giống chè chất lượng cao như Kim tuyên, PH8, Shan…; bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ; giữ ổn định và đầu tư thâm canh diện tích chè trên 10.000 ha; diện tích mắc ca đạt khoảng 35.000 ha; hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất các loại rau, củ quả; phát triển đạt 9.800 ha cây ăn quả tập trung.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phát triển kinh tế rừng bền vững dựa trên nguyên tắc phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; xây dựng thí điểm một số mô hình quản lý rừng bền vững dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng và hưởng lợi từ rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh nguồn nước.
Đánh giá và hoàn thiện các thủ tục thành lập khu rừng đặc dụng tại huyện Mường Tè để quản lý, bảo tồn các loài động vật, thực vật quý, hiếm, rừng biên giới. Trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác 35.000 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn tỉnh lên khoảng trên 55.000 ha.
– Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực trong xã hội, thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai thực hiện, các dự án có quy mô lớn, có tính chất liên tỉnh, có tác động lan tỏa giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tổ chức thực hiện đổi mới cơ chế phân cấp, quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước tạo sự chủ động của ngân sách cấp dưới, các cơ quan, đơn vị có liên quan.
– Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững các nguồn tài nguyên (đất, nước, khoáng sản). Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước đối với các công trình thủy điện. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường; phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, quản lý chặt chẽ việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải công nghiệp. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
- Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân
– Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển giáo dục theo hướng đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản cho mọi đối tượng.
Tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn” theo Kết luận số 112-KL/TU ngày 03/6/2021 của Tỉnh ủy. Củng cố, kiện toàn mạng lưới trường, lớp học, đặc biệt là hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông dân tộc nội trú; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục, đào tạo. Phấn đấu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80%. Rà soát và đổi mới cơ chế hoạt động Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện, từng bước tiến tới tự chủ tài chính theo lộ trình. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
– Phát triển hệ thống y tế tỉnh Lai Châu theo hướng hiện đại và bền vững. Tiếp tục thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở theo Kết luận số 111-KL/TU ngày 03/6/2021 của Tỉnh ủy. Tăng cường năng lực y tế dự phòng và phòng chống dịch. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng; bảo đảm trang thiết bị đầy đủ cho hệ thống y tế dự phòng, hệ thống khám chữa bệnh và phục hồi chức năng. Phát triển hệ thống y tế ngoài công lập trên cơ sở phát huy nội lực, lợi thế và phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội của địa phương và khu vực lân cận.
– Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Tăng cường chăm lo người có công, thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, cải thiện đời sống, nghiên cứu cân đối nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn tài trợ, viện trợ khác hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối tượng theo quy định; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội của tỉnh.
– Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung xây dựng văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; kiện toàn, đổi mới hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa nhằm xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, tạo ra các không gian văn hóa đa dạng phục vụ người dân.
– Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách gắn với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo tinh thần Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ về Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045./.
[1] Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
[2] + Nghị Quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23 tháng 7 năm 2019 về “Quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu”;
+ Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND, ngày 23 tháng 7 năm 2019 về quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
+ Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/03/2021 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025;
+ Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/03/2021 quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 -2025;
+ Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 về thông qua đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu;
+ Nghị Quyết 39/2019/NQ-HĐND, ngày 11/12/2019 về thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025;
+ Quyết định số 1875/QĐ-UBND ngày 27/11/2019 về Phê duyệt chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025;
+ Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 09/01/2020 về ban hành định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu;
Lê Văn Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị