Tiềm năng và lợi thế đưa Cao Bằng phát triển kinh tế- xã hội bền vững

Tiềm năng và lợi thế đưa Cao Bằng phát triển kinh tế- xã hội bền vững

Cao Bằng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế với nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng (như: vàng, kẽm, chì…).

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc; phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc, có đường biên giới dài trên 333 km; phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang; phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn; phía Đông Nam giáp tỉnh Lạng Sơn.

Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh 6.700,26 km2, bằng 2,12% diện tích tự nhiên toàn quốc; đất sản xuất nông nghiệp là 618,628 ha chiếm gần 10%; đất lâm nghiệp, núi đá, sông suối chiếm hơn 90%. Tỉnh có 09 huyện và 01 thành phố (trong đó có 07 huyện biên giới) với 161 xã, phường, thị trấn (trong đó có 40 xã biên giới).

Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 540.000 người; có 35 thành phần dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ yếu có 08% dân tộc cùng sinh sống lâu đời; trong đó, dân tộc Tày chiếm 40,84%; Nùng 29,81%; Mông 11,65%; Dao 10,36%; Kinh 5,12%; Sán Chỉ 1,49%; Lô Lô 0,54%; Hoa 0,02%; dân tộc khác 0,17%. Là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên tổng dân số cao nhất cả nước (94,88%).

tm-img-alt
Toàn cảnh thành phố Cao Bằng. Ảnh IT

Cao Bằng là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc. Suốt chiều dài 520 năm hình thành và phát triển, là “phên giậu vững chắc” nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, Cao Bằng đã ghi đậm dấu ấn những trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Cao Bằng là nơi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về đất nước để lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước; là nơi khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay; là nơi mở ra bước ngoặt quan trọng xoay chuyển cục diện chiến trường bằng chiến thắng của chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979, Cao Bằng đã tích cực đóng góp sức người, sức của, kiên cường, anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, thân yêu của Tổ quốc, góp phần viết tiếp trang sử hào hùng chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, nền hòa bình độc lập dân tộc của đất nước.

Là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế với nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng (như: vàng, kẽm, chì…). Khí hậu Cao Bằng có những đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác trong vùng, tạo ra nhiều lợi thế để phát triển cây trồng, con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như: hạt dẻ, thuốc lá sợi vàng, đỗ tương, chè đắng, trúc, hồi, quế, bò Mông, lợn đen, thạch đen, nếp thơm…

Về du lịch, có nhiều danh thắng nổi tiếng như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thăng Hen, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, hang Ngườm Pục,… và có nhiều di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng như di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An,… và nhiều di tích xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh;

Cao Bằng có lợi thế lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu do nằm giữa hai hành lang kinh tế Đông (Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng) và Tây (Côn Minh (Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Hội – Hải Phòng); đặc biệt với đường biên giới dài tiếp giáp Trung Quốc, với Tà Lùng là cửa khẩu quốc tế, 03 cửa khẩu chính (song phương) gồm Trà Lĩnh, Sóc Giang, Lý Vạn và nhiều cặp chợ đường biên, đã tạo cho Cao Bằng có tiềm năng lớn trong việc mở ra một tuyến hành lang kinh tế mới nối các tỉnh Tây Nam (Trung Quốc) với trục đường Hồ Chí Minh, tuyến đường xuyên Á và kết nối với các nước ASEAN qua địa phận tỉnh. Cao Bằng có cơ hội trở thành điểm nối quan trọng trong giao lưu hàng hóa giữa Hà Nội, các tỉnh vùng Đông Bắc nói riêng và thị trường các nước ASEAN nói chung với thị trường Trung Quốc. Kinh tế cửa khẩu Cao Bằng được quy hoạch là khu kinh tế cửa khẩu đa chức năng, đa lĩnh vực, có khả năng gắn kết được với các địa phương khác để tạo thành tuyến dịch vụ thương mại – du lịch động lực của toàn vùng Trung du miền núi phía Bắc; là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

Tuy nhiên, do vị trí địa lý không thuận lợi, hạ tầng kinh tế – xã hội còn thiếu và yếu, giao thông đi lại khó khăn, chỉ có duy nhất loại hình giao thông đường bộ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao… đến nay, Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo của cả nước.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, chúng tôi xác định tỉnh có 03 điểm nghẽn cần khắc phục, tháo gỡ:

Thứ nhất đó là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực ở nông thôn; chất lượng trong cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt.

Thứ ba là cơ chế chính sách của tỉnh chưa thật sự thông thoáng, khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Trước mắt, để phát triển nền vững kinh tế – xã hội tỉnh Cao Bằng, chúng tôi xác định các nhiệm vụ mang tính chiến lược:

Một là, phát triển du lịch – dịch vụ bền vững, đưa du lịch – dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực Trung du, miền núi phía Bắc. Chú trọng đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch; phát huy có hiệu quả các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các giá trị văn hóa dân tộc độc đáo, khác biệt mang đậm bản sắc Cao Bằng; đẩy mạnh hoàn thiện các điều kiện vận hành Khu cảnh quan Thác Bản Giốc, xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Hai là, phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước.

Ba là, phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm khai thác và phát huy tối đa lợi thế 333 km đường biên giới với nhiều cặp cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Cảng Container Quốc Tế Tân Cảng – HICT) Hải Phòng đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) – Khorgos (Kazakhstan) sang các nước Châu Âu và ngược lại.

Bốn là, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực ở nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Năm là, tiếp tục tập trung đổi mới giáo dục – đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất; tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân. Quan tâm giải quyết các vấn đề về nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, việc làm, xóa đói, giảm nghèo; an sinh xã hội,… cho đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Sáu là, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ; chú trọng giáo dục ý chí tự lực, tự cường, tinh thần vượt khó, khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Bảy là, tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng bộ. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao, ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống an ninh truyền thống và phi truyền thống, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nắm chắc tình hình, xử lý tốt các phát sinh trong vùng đồng bảo dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo mỗi trường hòa bình để phát triển kinh tế – xã hội. Tích cực, chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Tăng cường hiệu quả thực chất các mối quan hệ láng giềng, giao lưu hữu nghị với các tỉnh biên giới của Trung Quốc; qua đó, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, du lịch… của tỉnh, vừa góp phần vào việc củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam Trung Quốc.

Cuối cùng là, xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào Cao Bằng. Tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất, vừa đẩy mạnh thu hút đầu tư, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh có điều kiện phát triển.

Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đẩy nhanh việc xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; trước hết, ưu tiên tập trung nguồn lực để triển khai dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) giai đoạn 1. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục phát triển nông nghiệp hàng hoá, tập trung vào mở rộng quy mô, nâng cao năng suất các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, các đặc sản, hướng đến xuất khẩu. Quan tâm phát triển kinh tế rừng gắn với sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm sản, dược liệu quý. Chú trọng bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Với truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, tinh thần đoàn kết, dân chủ và quyết tâm cao, cùng với việc xác định rõ những điểm nghẽn, nút thắt và những tiềm năng, lợi thế của địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng sẽ đạt được những bước tiến mới mạnh mẽ trong thời gian gần, xây dựng tỉnh Cao Bằng phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.

UBND tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích