Tiềm năng và cơ hội cho thị trường bất động sản miền Tây: Đón đầu cơ sở hạ tầng mới

(Xây dựng) – Thị trường BĐS Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn bùng nổ và đa dạng các dòng sản phẩm. Các BĐS tăng giá đột biến và mang lại nhiều khoản đầu tư sinh lời cho nhiều nhà đầu tư, nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, có thể thấy rằng thị trường BĐS miền Tây (khu vực ĐBSCL) lại là một mảnh ghép tương đối khác biệt so với các thị trường BĐS còn lại.

Tiềm năng và cơ hội cho thị trường bất động sản miền Tây: Đón đầu cơ sở hạ tầng mới
BĐS miền Tây cần cú hích từ các dự án đầu tư hạ tầng giao thông.

Vùng đất mới còn bỏ ngỏ

Các sản phẩm của thị trường BĐS Miền Tây (khu vực ĐBSCL) thường tập trung nhiều vào nhu cầu thực như để ở, đầu tư của các nhà đầu tư, nhu cầu của người dân địa phương. Các sản phẩm thu hút nhà đầu tư ở tỉnh khác, khu vực khác còn hạn chế.

Hiện nay, các nhà đầu tư ở khu vực miền Tây đầu tư đất nền vẫn để phục vụ nhu cầu tích lũy tài sản và an cư nhiều hơn (chiếm trên 60%). Họ thường có mục tiêu đầu tư dài hạn, tránh các khoản đầu tư lướt sóng, chính vì vậy, quá trình ra quyết định thường lâu hơn và cân nhắc nhiều yếu tố. Vì vậy thị trường BĐS miền Tây thường ít có các đợt sốt nóng cục bộ, thị trường diễn tiến đều hoặc ít tác động bởi yếu tố thị trường.

Các nhà đầu tư ở khu vực miền Tây thường dùng vốn đối ứng với tỷ trọng cao từ 50 – 70%, thậm chí 100% cho khoản đầu tư của mình. Họ sử dụng các đòn bẩy tài chính với tỷ lệ thấp hơn các khu vực khác.

Thị trường BĐS miền Tây đã hình thành nhiều loại hình sản phẩm, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu vào sản phẩm đất nền và nhà phố xây sẵn, trong đó đất nền chiếm tỷ trọng cao. Các sản phẩm BĐS chung cư, đại đô thị, các sản phẩm BĐS du lịch hay các BĐS gắn liền với khu công nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm thường tập trung vào khu vực lõi của các địa phương, khu vực và có tính thanh khoản ổn định đối với các sản phẩm có tính pháp lý đảm bảo.

Các sản phẩm BĐS gắn với khai thác du lịch như nhà vườn, khu sinh thái, khách sạn… còn hạn chế, dù nhu cầu và tiềm năng cho thị trường này khá tốt, đặc biệt những năm trở lại đây lượng khách du lịch đổ về miền Tây khá lớn. Loại hình BĐS sinh thái khai thác từ cây trái và du lịch sẽ là một hướng mới cho các khách hàng đầu tư tại khu vực miền Tây khi kết hợp với các tour du lịch.

Loại hình BĐS gắn với các khu công nghiệp đang còn thiếu. Hiện nay mới hình thành một số KCN có đi kèm với khu dân cư như KCN Bình Minh của CĐT Hoàng Quân…

Sản phẩm chung cư là một loại hình BĐS được quan tâm tại thị trường. Một số năm trở lại đây, các chung cư được hoàn thiện đều đón nhận sự quan tâm, thu hút và mua bán của khách hàng. Tại Cần Thơ, Long Xuyên và một số địa phương các loại hình sản phẩm này có tỷ lệ thanh khoản cao. Tuy nhiên cần thêm các chủ đầu tư lớn đầu tư các quỹ đất lớn để đầu tư các khu phức hợp tạo ra một không gian sống tiện nghi và đầy đủ hơn cho khách hàng.

Tiềm năng và cơ hội cho thị trường bất động sản miền Tây: Đón đầu cơ sở hạ tầng mới

Đón làn sóng đầu tư mới

Trước đây, việc kết nối và giao thương của các địa phương tại miền Tây cũng gặp nhiều khó khăn vì các tuyến giao thông lớn chưa rút ngắn được thời gian di chuyển và sự thuận tiện trong giao thương. Từ đó, chưa thu hút được các nhà đầu tư ở các khu vực trọng điểm giao thương về đầu tư tại miền Tây, bởi thị trường chỉ tập trung được ở các BĐS ở vị trí lõi của từng vùng, từng địa phương (trung tâm thành phố, trung tâm thị trấn, huyện…).

Tuy nhiên, hiện nay, với việc đưa vào xây dựng và khai thác các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng thì sẽ có nhiều không gian mới phát triển, đặc biệt các BĐS ở các vị trí kết nối mới, nhằm phát triển kinh doanh buôn bán và dịch vụ. Đồng thời các BĐS khu công nghiệp, BĐS phục vụ logistics, kho bãi… sẽ được tăng cường mở rộng, không chỉ giải quyết thêm công việc của địa phương mà còn gia tăng giá trị sử dụng đất.

BĐS sẽ không tập trung ở một vài địa phương trọng điểm mà sẽ được mở rộng theo các không gian mới và cụm công nghiệp, cụm hạ tầng mới, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tư đón đầu.

Thời gian tới với hàng loạt các cú hích về đầu tư cơ sở hạ tầng từ các tuyến cao tốc chính, lớn, cải tạo mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, chắc chắn đây sẽ là điểm nhấn đáng giá, và là cơ hội lớn cho BĐS tại miền Tây.

Thay vì trước đây các nhà đầu tư địa phương sẽ chiếm tỷ trọng chủ yếu trong việc đầu tư, nắm giữ các BĐS thì khi kết nối giao thông, hạ tầng mới sẽ tạo nhiều cơ hội mới, khu đô thị mới cho các nhà đầu tư ở TP.HCM, Hà Nội hay các địa phương khác đầu tư vào khu vực miền Tây, các khu vực là nút giao mới cho các kết nối giao thông. Đặc biệt mạng lưới cao tốc mới là mạng lưới giúp kết nối đa trục, vươn tới các trọng điểm kinh tế của khu vực miền Tây.

Hiện nay các nhà đầu tư lớn, uy tín cũng đã đầu tư tại thị trường miền Tây như Vingroup, T&T, Novagroup, Trần Anh, Cát Tường, DIC, Nam Long… đều có các khu đô thị tại miền Tây, tuy nhiên quy mô và sản phẩm còn nhỏ, thêm nữa mới chủ yếu tập trung các sản phẩm đất nền, hoặc nhà phố xây sẵn ở quy mô nhỏ do đó chưa tạo ra các khu đô thị mới có sức sống và khai thác hoạt động tốt. Do đó, khi các cơ sở hạ tầng thiết yếu được mở rộng và nâng cấp mạnh mẽ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm trên chính khu vực miền Tây, giúp giữ chân người lao động và hạn chế được việc di dân tìm công việc ở các khu vực khác, từ đó tạo nên nhu cầu nhà ở mới cấp thiết hơn.v

Nguyễn Văn Hùng
Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Broland Miền Tây

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích