Tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong ngành Điện gió ngoài khơi
(Xây dựng) – Ngày 28/3, tại Hà Nội, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) – Đan Mạch, phối hợp với trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức hội thảo “Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi”. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ toàn diện về tiềm năng phát triển nghề nghiệp của nhân sự Việt trong ngành Điện gió ngoài khơi, một lĩnh vực khá mới mẻ và hiện đang trong giai đoạn tương đối sơ khai của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Đào tạo nhân sự đáp ứng yêu cầu ngành điện gió ngoài khơi
Theo Quy hoạch Điện VIII được phê duyệt vào ngày 15/05/2023, Việt Nam có kế hoạch nâng công suất điện gió ngoài khơi từ mức 0 ở thời điểm năm 2023 lên 6GW vào năm 2030, tầm nhìn 70 – 91,5 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2050, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) như đã cam kết tại COP26. Để đạt được mục tiêu này, các nhà đầu tư, nhà phát triển cũng như các nhà thầu cần chuẩn bị sẵn lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao, đặc biệt trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng trường Điện – Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: “Điện gió ngoài khơi, cũng như các chủ đề khác trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cần thực hiện phát triển hệ thống năng lượng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo mục tiêu chuyển dịch năng lượng và hướng tới phát triển bền vững là các chủ đề được các cơ sở đào tạo rất quan tâm. Một điểm chung của các nội dung đào tạo này là tính đa ngành, đa lĩnh vực, và sự thay đổi không ngừng. Việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các công việc mới đòi hỏi sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý Nhà nước”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và sinh viên. |
Hiện tại ở Việt Nam, một số chuyên ngành đào tạo dài hạn có thể hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi như: Điện – Điện tử, Kỹ thuật Cơ khí Xây dựng Công trình biển, Dầu khí, Kỹ thuật xây dựng, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Quản lý Hàng hải, Quản lý năng lượng, Điều khiển tàu biển, Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật địa chất, Kỹ thuật môi trường… Những chuyên ngành này được đào tạo tại một số trường đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Điện lực, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Hàng Hải…
Ngoài ra, một số chương trình đào tạo ngắn hạn bao gồm kỹ thuật cơ bản ngành Điện gió ngoài khơi, kỹ thuật an toàn cơ bản, sơ cứu nâng cao, cứu hộ nâng cao cũng cung cấp những kỹ năng cần thiết cho một số công việc mang tính chất kỹ thuật tại các dự án điện gió ngoài khơi.
Mặc dù là ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam, nhiều vị trí kỹ thuật trong ngành Điện gió ngoài khơi có thể được đảm nhiệm bởi những nhân sự đang làm việc tại các ngành khác có môi trường làm việc, cách thức triển khai, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về chất lượng, an toàn tương đồng, chẳng hạn như ngành dầu khí, xây dựng công trình biển, nhà máy điện, điện gió gần bờ và điện gió trên bờ, hàng hải… Bên cạnh đó, nhân sự đảm nhiệm các vị trí hành chính hoặc hỗ trợ dự án có thể đến từ nhiều ngành khác nhau nếu sở hữu bằng cấp, kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng mềm phù hợp. Những ứng viên mới tốt nghiệp hoặc chưa nhiều kinh nghiệm liên quan cũng có thể bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện gió ngoài khơi với các vị trí học nghề, thực tập và chương trình quản trị viên tập sự.
Cơ hội việc làm chất lượng cao cho nhân sự Việt Nam
Ông Stuart Livesey – Đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn chia sẻ tại hội thảo: “Tập đoàn CIP sẽ cần một lực lượng lao động trình độ cao để phục vụ cho các dự án của tập đoàn trong tương lai. Ví dụ, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn khi được xây dựng hết công suất 3,5GW sẽ cần sự tham gia của 45.000 FTE, trong đó một FTE được tính là một nhân sự làm việc toàn thời gian trong vòng một năm. CIP mong muốn nhân sự Việt Nam có cơ hội tiếp cận với cơ hội nghề nghiệp chất lượng, đa dạng trong ngành điện gió ngoài khơi, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu các hạng mục phục vụ dự án điện gió ngoài khơi trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tương lai”.
TS. Trương Hoàng Linh – Trưởng phòng phát triển dự án, CIP phát biểu tại hội thảo. |
Trong suốt vòng đời của một trang trại điện gió ngoài khơi (khoảng 35 – 45 năm), một số vị trí công việc sẽ đồng hành cùng dự án trong cả 3 giai đoạn chính phát triển, thi công và vận hành, một số vị trí khác sẽ chỉ cần tham gia trong một hoặc hai giai đoạn của dự án. Giai đoạn thi công có nhu cầu sử dụng nhân sự cao nhất (chiếm 49% tổng số việc làm được tạo ra trong suốt vòng đời dự án), tiếp theo là giai đoạn vận hành và bảo trì (35%), cuối cùng là giai đoạn phát triển (10%) và tháo dỡ (6%).
Trong số các vị trí công việc tại một trang trại gió ngoài khơi, có những công việc hoàn toàn mới và chưa từng xuất hiện tại Việt Nam, chẳng hạn như các vị trí phụ trách đánh giá sản lượng gió, chế tạo móng monopile, lắp đặt tuabin ngoài biển, kiểm tra và bảo trì cánh tuabin ngoài biển, vận hành vào bảo trì tuabin gió ngoài khơi…
Các bạn sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả tại hội thảo. |
Cần sớm khởi tạo ngành Điện gió ngoài khơi
Các dự án điện gió ngoài khơi mang đến nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội thông qua cơ hội việc làm cho nhân sự Việt Nam và sự phát triển của chuỗi cung ứng nội địa. Trong giai đoạn khởi tạo ngành Điện gió ngoài khơi, những chính sách rõ ràng, mang tính khuyến khích sẽ giúp các nhà đầu tư có đủ sự tự tin và an tâm cần thiết để đưa ra các cam kết lâu dài và quyết định những khoản đầu tư trị giá nhiều tỷ USD, các nhà thầu có thể chủ động kế hoạch sản xuất và tuyển dụng nhân sự, các đơn vị đào tạo cũng có thể chủ động cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu đầu ra của ngành.
Ông Stuart Livesey cho biết: “Một dự án điện gió ngoài khơi từ giai đoạn cấp phép khảo sát đến giai đoạn vận hành thương mại thường kéo dài tối thiểu 6 năm. Do vậy, để đạt được mục tiêu 6GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, góp phần hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050 của Việt Nam, cần sớm ban hành cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi trong năm 2024, song song với việc từng bước hoàn thiện các chính sách và quy định liên quan. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước và các đối tác trong nước để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tạo tiền đề vững chắc để phối hợp triển khai các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở Việt Nam”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn CIP cũng chính thức công bố ấn phẩm “Nguồn nhân lực ngành Điện gió ngoài khơi” bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Ấn phẩm cung cấp thông tin tổng quan về nhu cầu nhân sự phục vụ xuyên suốt các giai đoạn phát triển, thi công, vận hành của một trang trại điện gió ngoài khơi, danh sách các công việc điển hình và mô tả công việc chi tiết của trên 70 vị trí khác nhau. Ấn phẩm chỉ ra những kỹ năng, bằng cấp, chứng chỉ cần thiết, cũng như những chương trình đào tạo hiện có trong nước có thể hỗ trợ nhân sự Việt gia nhập ngành Điện gió ngoài khơi. |
Nguồn: Báo xây dựng