Tiềm năng phát triển dược liệu thành một ngành kinh tế
TS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật rất phong phú và đa dạng, đang được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện VKIST đang tập trung cho hai lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến hệ thực vật Việt Nam là công nghệ môi trường và dược mỹ phẩm.
Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ… Tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi không ngừng tăng, đạt 276 triệu USD vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dược liệu thành một ngành kinh tế kỹ thuật.
Theo TS Mai Thị Nga, nghiên cứu viên tại VKIST, tận dụng lợi thế từ thảo dược, dược liệu, dự án chế tạo than hoạt tính từ nguồn thảo dược Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất dược mỹ phẩm là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam, được cô cùng các cộng sự thực hiện từ năm 2018. Bằng cách sử dụng cây guột, một giống thực vật thuộc họ dương sỉ phổ biến ở khu vực đồi núi bởi loại cây này có hàm lượng carbon cao chủ yếu là carbon bền khó phân hủy và không chứa nhiều tạp chất, đặc biệt là các kim loại độc hại như thủy ngân, chì, crom. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ hoạt hóa bằng hơi nước kết hợp dòng khí CO2 tạo ra vật liệu than hoạt tính có diện tích bề mặt cao. “Công nghệ này tạo than hoạt tính có giá thành rẻ, an toàn và thân thiện với môi trường”, TS Nga cho biết, dự án được nhận hai bằng sáng chế của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam và giải thưởng của Đại sứ quán Mỹ.
Cây cỏ guột – thực vật phổ biến tại vùng đồi núi Việt Nam được nghiên cứu và chế tạo thành than hoạt tính. Ảnh minh họa
TS Nga cũng chia sẻ, dự án đang triển khai ứng dụng than hoạt tính kết hợp cùng các thảo dược thiên nhiên để bào chế một số sản phẩm như kem đánh răng, mặt nạ than hoạt tính… Một số kết quả bước đầu cho thấy kem đánh răng có khả năng diệt vi khuẩn Streptococcus mutans (93%) và vi khuẩn Porphyromonas gingivalis (99,8%).
Liên quan đến việc sử dụng tài nguyên là dược liệu thực vật, TS Lê Đăng Quang, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết Nhóm nghiên cứu của ông đang ứng dụng công nghệ chiết xuất CO2 siêu tới hạn với gừng, hoa nhài, hoa bưởi, cỏ vetiver và trầm hương, thu được tinh dầu sản lượng cao hơn rõ rệt so với các chiết tách thông thường. Theo ông Quang, với dung môi hữu cơ, dung môi từ CO2, nước thân thiện với môi trường và giá rẻ, đồng thời có ưu điểm như tốc độ khuếch tán cao hơn, độ nhớt thấp hơn, dễ dàng kiểm soát được độ hòa tan và chọn lọc bằng chỉnh áp suất và nhiệt độ. Nhóm đã tối ưu quá trình chiết xuất CO2, đưa ra thiết bị chiết xuất chất lỏng siêu tới hạn SFT-250 với bình chiết 2 lít, có thể ứng dụng với nhiều thảo dược.
Là một chuyên gia quốc tế, TS Lee Jae Wook – nhà khoa học làm việc trong Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) đã đề cập tới công dụng của quả gấc, một loài dược liệu phổ biến tại Việt Nam. Ông cho biết, gấc chứa nhiều thành phần hoạt tính, trong đó có sắc tố thực vật carotenoid và hợp chất có khả năng chống oxy hóa. Các nhà khoa học ở KIST đang nghiên cứu cơ chế chiết xuất gấc để phát triển sản phẩm ứng dụng tăng cường thị lực và dưỡng da.
Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng, được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong số hơn 12.000 loài của hệ thực vật Việt Nam, có hơn 5000 loài được dùng làm thuốc. Việt Nam xuất khẩu nhiều loại dược liệu như quế, hồi, thảo quả, nghệ… Tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi không ngừng tăng, đạt 276 triệu USD vào năm 2022. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Theo ý kiến của chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển dược liệu thành một ngành kinh tế. |
Khánh Mai (t/h)