Tiềm năng phát triển bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các dự án bất động sản hàng hiệu chỉ mới xuất hiện từ đầu năm 2021, nhưng theo thống kê của CBRE, đây là mô hình chiếm đa số trên thế giới với tỷ trọng trên 60%.
Bất động sản hàng hiệu đang được đánh giá có tiềm năng phát triển khá lớn tại Việt Nam với bối cảnh tầng lớp siêu giàu đang và sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Thực tế, vài năm trở lại đây, loại hình này được giới thiệu với vai trò là dòng sản phẩm tiên phong, định hình lối sống khác biệt của giới thượng lưu tại Việt Nam.
Bất động sản hàng hiệu hiểu đơn giản là địa ốc gắn với thương hiệu nổi tiếng và sẽ mang dấu ấn đặc trưng vào dự án. Đó có thể là dịch vụ, tiện ích nếu đó là thương hiệu khách sạn hoặc là thiết kế nếu đó là các thương hiệu phong cách sống.
Giám đốc điều hành của CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung cho biết cách đây khoảng 20 năm, những dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên được phát triển gắn liền với các thương hiệu quản lý khách sạn và lấy động lực từ thị trường du lịch có sẵn.
Thế nhưng, cục diện đang dần thay đổi bởi tầng lớp doanh nhân, thương gia, tỉ phú phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng, sở hữu các mặt hàng xa xỉ ngày càng tăng.
Nắm bắt thời cơ, nhiều nhãn hàng cao cấp đã tham gia vào cuộc cạnh tranh dẫn đến sự ra đời của bất động sản hàng hiệu phong cách sống. Trên toàn thế giới, nguồn cung của bất động sản hàng hiệu phong cách sống chiếm khoảng 15-20% tổng nguồn cung bất động sản hàng hiệu.
Tại Việt Nam, các dự án bất động sản hàng hiệu chỉ mới xuất hiện từ đầu năm 2021, nhưng theo thống kê của CBRE, đây là mô hình chiếm đa số trên thế giới với tỷ trọng trên 60%.
Theo Wealth-X (tổ chức chuyên nghiên cứu người giàu của Hoa Kỳ), tốc độ gia tăng số lượng người giàu (tài sản ròng từ 1-30 triệu USD) tại Việt Nam khoảng 10,1% trong giai đoạn 2018-2023, thuộc Top 5 quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới.
Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp thượng lưu đã và đang thúc đẩy nhu cầu nâng cao, khẳng định phong cách sống cũng như sở hữu và chi tiêu cho các sản phẩm xa xỉ. Đây chính là động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản hàng hiệu tại Việt Nam.
Trong năm 2021, Việt Nam chào đón những dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên, thuộc phân khúc siêu sang (giá bán trên 12.000 USD/m2). Dự án Grand Marina Saigon và The Grand Hà Nội có giá bình quân lần lượt là 14.700 và 25.000 USD/m2, đều đạt tỷ lệ bán từ 70% trên số căn đã mở bán.
Dự án bất động sản hàng hiệu được phát triển bởi sự kết hợp giữa nhà phát triển bất động sản và đơn vị quản lý là thương hiệu khách sạn nổi tiếng. Các dự án thuộc loại hình bất động sản này tạo niềm tin mạnh mẽ cho người mua và cả người sử dụng dịch vụ. Đồng thời, đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe về dịch vụ, quản lý.
Đây là những nét khác biệt so với những dự án nhà ở khác trên thị trường. Theo đó, tại mỗi dự án hàng hiệu, các dịch vụ, tiện ích được cung cấp thường tương đồng với khách sạn, bao gồm hồ bơi, phòng thể dục, sảnh đón khách, các phòng tiện ích, spa. Trong một số dự án, căn hộ lớn có thể có phòng spa riêng, phòng tập golf, các dịch vụ À La Carte như đặt vé máy bay, trông trẻ, tổ chức tiệc tại gia…
Trong tháng 8/2022, CBRE đã phát hành Báo cáo tiêu điểm về Bất động sản hàng hiệu phong cách sống, đưa ra đánh giá và nhận xét về triển vọng của loại hình bất động sản độc đáo này.
Theo bà Dương Thuỳ Dung, bất động sản hàng hiệu phong cách sống không chỉ được xem như một loại tài sản mà còn là thước đo thể hiện đẳng cấp của chủ sở hữu. Sức hút của bất động sản hàng hiệu phong cách sống đến từ tính độc nhất, tính kết nối với thương hiệu xa xỉ và giá trị bền vững. Loại hình này đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của giới thượng lưu – những người có nhu cầu khẳng định đẳng cấp và sở hữu hàng hiệu, đặc biệt quan tâm đến phong cách và trải nghiệm sống.
Trên thế giới, bên cạnh bất động sản hàng hiệu được quản lý bởi các thương hiệu khách sạn, cuộc chạy đua bất động sản hàng hiệu giờ đây có thêm sự góp mặt của nhiều nhãn hàng xa xỉ lớn, tựu lại nhằm đem đến các trải nghiệm độc đáo, khác biệt và xứng tầm với phong cách sống của tầng lớp thượng lưu.
Các thương hiệu tham gia vào lĩnh vực này khá đa dạng, thuộc danh sách các thương hiệu danh giá trên thế giới, điển hình như các hãng hàng hiệu siêu sang về thời trang, trang sức, đồng hồ, mỹ phẩm, siêu xe Versace, Bvlgari, Elie Saab, Missoni, Armani, Lamborghini, Porsche, Aston Martin, Fendi,…
Thế giới đang dần mở cửa trở lại, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài quay lại Việt Nam cũng như khách Việt Nam du lịch và trải nghiệm phong cách sống đẳng cấp tại các dự án bất động sản hàng hiệu trên thế giới. Đây là cơ hội để khẳng định chất lượng mô hình bất động sản hàng hiệu, mặc dù vẫn còn khá mới ở Việt Nam.
Đặc biệt, mới đây Việt Nam đã xuất hiện thông tin về dự án bất động sản hàng hiệu phong cách sống đầu tiên – The Rivus, gắn với thương hiệu Elie Saab.
CBRE dự báo xu hướng của loại hình bất động sản này sẽ phát triển mạnh, nhất là tại Việt Nam với động lực từ tốc độ tăng trưởng của giới siêu giàu và sự phát triển của thị trường hàng xa xỉ./.
Nguồn: Báo xây dựng