Tiềm năng phát triển du lịch biển bền vững tỉnh Nam Định

(Xây dựng) – Trong thời gian qua, tài nguyên du lịch vùng ven biển Nam Định đã và đang được khai thác đầu tư phát triển thành các sản phẩm du lịch biển thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên đến nay, việc khai thác, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch biển của Nam Định còn hạn chế.

tiem nang pha t trie n du li ch bien ben vung tinh nam dinh
Du lịch biển Nam Định có nhiều tiềm năng nhưng việc khai thác, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch biển còn hạn chế.

Tiềm năng du lịch sinh thái biển tại Nam Định

Nam Định có 72km bờ biển nối cửa Ba Lạt (sông Hồng) với cửa Đáy (sông Đáy) với những bãi biển thoải, dài, cát mịn đã được khai thác, xây dựng thành các khu du lịch biển hấp dẫn như: Thịnh Long (huyện Hải Hậu), Quất Lâm (huyện Giao Thủy)… Các khu du lịch biển của Nam Định còn có thể kết nối với các khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hình thành nên các tour du lịch tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của du khách. Khu vực bãi biển Rạng Đông cũng đang được đầu tư kết cấu hạ tầng để hình thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tắm biển nằm trong quy hoạch phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ.

Vùng rừng ngập mặn Nghĩa Hưng thuộc Khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng là vùng đất ngập nước nằm giữa hai cửa sông Đáy và sông Ninh Cơ (nhánh của sông Hồng). Hệ sinh thái vùng đất ngập nước này khá đa dạng phong phú. Sinh cảnh rừng ngập mặn cùng với môi trường trong lành, gần khu nghỉ dưỡng sinh thái Rạng Đông, trong tương lai sẽ trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái hấp dẫn.

Đặc biệt, vùng đất ngập nước cửa sông Hồng đổ ra biển Đông với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nơi dừng chân của các loài chim di trú – Vườn quốc gia Xuân Thủy (đã được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng) bởi các giá trị nổi bật về địa hình và hệ sinh thái của Vườn quốc gia này đặc biệt hơn các nơi khác trong cả nước và trong khu vực Đông Nam Á. Đây là điểm du lịch sinh thái độc đáo, đạt được ba điều nhất đó là “Đa dạng sinh học cao nhất, năng suất sinh học lớn nhất và cũng là hệ sinh thái nhạy cảm nhất”.

Cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh phát triển mới

Tác động của Cách mạng 4.0 đến phát triển du lịch vừa tạo ra cơ hội, đồng thời cũng tạo ra thách thức không nhỏ đối với phát triển du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu phải cơ cấu lại ngành Du lịch để thích hợp với những tác động này. Theo đó, du lịch Nam Định cần tận dụng được những cơ hội, đồng thời hạn chế được những tác động mang tính thách thức của Cách mạng 4.0 đối với du lịch khi năng lực thích ứng (hạ tầng công nghệ, đội ngũ và tổ chức) của du lịch Nam Định còn rất hạn chế.

Tiếp đó, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống xã hội, trong đó có hoạt động phát triển du lịch. Những biến đổi bất thường, không theo quy luật của các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày một gia tăng. Hiện tượng xói lở bờ biển và ảnh hưởng ngày càng mạnh của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão lũ, sự thay đổi quy luật mùa… đã tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển du lịch ở vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng trong đó có Nam Định. Đòi hỏi tỉnh Nam Định cần có những thay đổi cơ cấu du lịch phù hợp để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối mục tiêu phát triển du lịch bền vững nói chung, đặc biệt là du lịch biển Nam Định trong giai đoạn phát triển tới.

Du lịch biển Nam Định “chậm” hơn so với nhiều địa phương, tuy nhiên thời gian qua hệ thống sản phẩm du lịch biển ở điểm đến Nam Định ít có thay đổi và dần đã trở nên “quá quen” đối với phần lớn khách du lịch. Điều này cũng đồng nghĩa với thách thức rất lớn để điểm đến du lịch biển Nam Định vẫn thực sự là điểm đến du lịch hấp dẫn trong chuỗi giá trị du lịch biển ở khu vực phía Bắc. Du lịch biển Nam Định cần phải tận dụng cơ hội để thu hút khách du lịch đã quen với những sản phẩm quay trở lại, song phải “làm mới” (cơ cấu lại) hệ thống sản phẩm du lịch để thu hút dòng khách du lịch mới có chất lượng hơn, phù hợp với chiến lược phát triển hướng đến phát triển bền vững.

tiem nang pha t trie n du li ch bien ben vung tinh nam dinh
Vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình của rừng ngập mặn quốc gia Xuân Thủy.

Đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc phát triển du lịch biển tỉnh Nam Định trong giai đoạn 2022-2025 sẽ phải đối diện với những khó khăn không nhỏ để phục hồi lại tăng trưởng du lịch, trước hết là tăng trưởng về khách. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tỉnh Nam Định thực hiện việc cơ cấu lại ngành Du lịch để phục hồi và tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Như vậy có thể thấy, phát triển du lịch bền vững nói chung, du lịch biển bền vững nói riêng tỉnh Nam Định trong giai đoạn phát triển 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề quan trọng là nhận diện được đầy đủ những cơ hội và thách thức đó để có được những giải pháp phù hợp nhằm phát huy được những cơ hội và hạn chế tác động của những thách thức để du lịch biển tỉnh Nam Định phát triển một cách bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế – xã hội, tạo thêm nhiều việc làm cho cộng đồng và bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích