Tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 như thế nào cho an toàn?
Tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 như thế nào cho an toàn?
Gần 16 triệu người đã được tiêm vaccine Covid-19 và đang chuẩn bị cho việc tiêm mũi 2. Bác sĩ hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 để an toàn và hiệu quả.
Thời gian phù hợp để tiêm mũi 2 vaccine Covid-19
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 cho thấy, tính đến sáng 17/8 Việt Nam đã tiêm 15.343.633 liều vaccine cho người dân. Hiện việc nhập và phân phối vaccine để tiêm chủng vẫn đang được các cấp, các ngành tiến hành rốt ráo để đạt được mục đích tiêm vaccine COVID-19 cho 75 triệu dân.
Tiêm vaccine là phương pháp tốt nhất để phòng dịch (Ảnh minh họa)
Sau một thời gian dài triển khai tiêm vaccine, nhiều người dân vẫn băn khoăn về thời gian, khoảng cách tiêm mũi 1 và mũi 2 sao cho hiệu quả.
Giải đáp khúc mắc trên của người dân, TS. Đặng Thị Thanh Huyền – Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho hay: “Theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế thì đối với vaccine AstraZeneca cần tiêm 2 mũi vaccine, trong đó mũi 2 cách mũi thứ nhất ít nhất 8 – 12 tuần. Trong trường hợp thời gian tiêm chậm hơn 12 tuần thì người tiêm cũng không phải tiêm lại từ đầu”.
Kể cả khi mũi 2 của AstraZeneca được tiêm chậm hơn 12 tuần cũng sẽ không ảnh hưởng hiệu lực của vaccine. Đến nay, chưa có thời gian tối đa của việc chậm tiêm mũi 2 là bao nhiêu. Tuy nhiên, những trường hợp gần đến lịch tiêm chủng, các cơ quan, doanh nghiệp cần khẩn trương làm công văn và liên hệ với đơn vị đã tiêm mũi một trước đó để nhanh chóng thực hiện tiêm mũi 2.
Hiện Bộ Y tế đang yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiêm mũi 2 vaccine COVID-19 cho những người đã tiêm mũi một theo đủ thời gian như khuyến cáo.
Theo thông báo của nhà sản xuất, nếu tiêm một mũi vaccine thì nguy cơ mắc bệnh COVID-19 giảm hơn 70% so với nhóm chưa được tiêm chủng. Tiêm vaccine để phòng các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và nguy cơ lây nhiễm cho bản thân cũng như cộng đồng.
Tuy nhiên dù đã tiêm vaccine vẫn cần tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tại Việt Nam hiện đang lưu hành 5 loại vaccine COVID-19, với thời gian tiêm nhắc lại mũi 2 khác nhau. Cụ thể:
Vaccine COVID-19 AstraZeneca: Thời gian tiêm mũi 2 sau 8 – 12 tuần tiêm mũi 1.
Vaccine Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 2 cách mũi 1 là 3 tuần.
Vaccine Moderna: Mũi 2 sau mũi 1 là 28 ngày (4 tuần).
Vaccine Comirnaty của hãng Pfizer: Mũi 2 tiêm sau mũi 1 từ 3 đến 4 tuần.
Vaccine (Vero Cell), Inactivated: Mũi 2 cách mũi 1 cũng từ 3 đến 4 tuần.
Những điều cần chuẩn bị trước khi tiêm vaccine COVID-19
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.
Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.
Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.
Theo các chuyên gia, sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, mọi người nên uống nhiều nước và ăn loại trái cây có nhiều vitamin C. Ảnh minh họa
Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như:
– Tình trạng sức khỏe hiện tại
– Các bệnh mạn tính đang được điều trị;
– Các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.
– Tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.
– Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vắc xin trước.
– Tình trạng nhiễm vi rút hoặc mắc COVID-19 (nếu có)
– Các loại vắc xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua.
– Tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ)
Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra một số câu hỏi với cán bộ y tế như:
– Thông tin liên quan đến vaccine phòng Covid-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo;
– Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí;
– Cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Điều cần làm sau khi tiêm vaccine Covid-19
Nên ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời nếu có các phản ứng xảy ra sau tiêm chủng. Khi về nhà, nên chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vắc xin.
Một số dấu hiệu thông thường sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể gặp như đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, ngứa, sưng, đỏ, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine COVID-19, cho thấy cơ thể bạn đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh.
Một số phản ứng sau tiêm nghiêm trọng rất hiếm có thể xuất hiện một vài giờ hoặc một vài ngày sau tiêm phòng vắc xin COVID-19 như tê môi/ lưỡi; phát ban; ngứa, tắc nghẽn, căng cứng ở họng; thở dốc, khó thở,…
Nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng hoặc bất thường sau khi tiêm vaccine nên đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ theo dõi và xử lý kịp thời.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ