Tiềm ẩn rủi ro khi đầu tư trái phiếu Apec ?
Công ty cổ phần Tập đoàn Apec là đơn vị kinh doanh bất động sản với nhiều dự án thuộc dòng sản phẩm Condotel trải dài trên toàn quốc.
Pháp luật không cho phép quảng cáo trái phiếu doanh nghiệp
Mặc dù theo quy định của pháp luật, cụ thể là Nghị định 163/2018/NĐ-CP, Nghị định 153/2020 đều yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để công bố thông tin chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo, mời chào.
Thế nhưng, trên trang web traiphieu.abond.com.vn của Tập đoàn APEC và nhiều trang mạng xã hội đang quảng cáo loại trái phiếu Abond mức lãi suất 12%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. Đặc biệt, theo lời quảng bá, lô trái phiếu đợt này có rủi ro thấp, thanh khoản cao (rút tiền bất kỳ lúc nào sau 3 tháng kể từ ngày phát hành), thủ tục nhanh gọn.
Quảng cáo về trái phiếu của của Công ty cổ phần tập đoàn Apec Group
Ngoài ra, nhiều website, trang thông tin về tài chính cũng hiển thị banner quảng bá cho đợt phát hành trái phiếu này. Các quảng cáo này cũng nhấn mạnh chỉ cần mua trái phiếu với mệnh giá 100 nghìn là đã có thể phát sinh giao dịch.
Qua tìm hiểu, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn APEC group đã ban hành Nghị quyết ngày 31/12/2020 về việc dự kiến phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ với tổng mệnh giá tối đa là 400 tỷ đồng. Trong đó, gói trái phiếu Abond.AG.H.21.24.001 là 1 triệu trái phiếu, tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 100 tỷ đồng.
Theo đó, mục đích phát hành nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động và cung cấp vốn để thực hiện việc đấu giá, phát triển các quỹ đất mới cho Công ty, M&A các doanh nghiệp sở hữu đất vàng, đầu tư mới các dự án tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản, chung cư, thương mại, khu công nghiệp và căn hộ du lịch.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Trái phiếu không chuyển đổi, không đưa tài sản đảm bảo tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo bảng tóm tắt thông tin về đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ này lô trái phiếu được phát hành riêng lẻ, là loại trái phiếu không chuyển đổi và không nêu tài sản đảm bảo.
Đây là điều hết sức rủi ro đối với các nhà đầu tư.
Bởi, trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, đối với trái phiếu cần được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Điều này được quy định tại Điều 17, khoản 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
Ngoài ra, bảng lãi suất do doanh nghiệp này cung cấp thì trái phiếu kỳ hạn 24 tháng là 11%/năm, 36 tháng có lãi suất lên tới 12%/năm. Với trái phiếu có lãi suất 12%/năm, nhà đầu tư không được bán trước hạn.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành mà cụ thể là Nghị định 153/2020/NĐ-CP, nguyên tắc phát hành sử dụng vốn trái phiếu, doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.
Trước đó, năm 2020, Tập đoàn APEC đã mạnh tay áp dụng lãi suất đến 18%/năm cho lô trái phiếu 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả phát hành cho thấy, không có nhiều nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu này, chỉ có khoảng 8 tỷ đồng được đặt mua.
Theo quy định tại Điều 9, khoản 1, điểm b Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, để có thể phát hành trái phiếu, APEC phải “thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu”.
Bên cạnh đó, Điều 17, khoản 2 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định tài sản đảm bảo đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ như sau: “Đối với trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản, khi doanh nghiệp phát hành không trả được nợ lãi, gốc trái phiếu thì tài sản bảo đảm sẽ được xử lý để thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm của trái phiếu theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm”.
Mặt khác, Điều 128 Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định rõ về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ tại các khoản 1 và 3. Trong đó, quy định rõ phải Bảo đảm điều kiện về tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định pháp luật.
Từ ngày 1/1/2021, quy định của Luật Chứng khoán yêu cầu các đợt phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với rất nhiều điều kiện chứng minh chặt chẽ. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ trước khi bỏ tiền ra đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính liên tục cảnh báo
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, làm đình trệ các hoạt động kinh doanh thương mại, sản xuất ở mức cầm chừng, việc tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng khó khăn đặc biệt là đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã khiến các doanh nghiệp này tìm đủ mọi cách để huy động vốn trên sàn chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.
Trước sự phát triển “nóng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, gây nguy cơ mất an toàn cho nền tài chính quốc gia. Bộ Tài chính đã liên tục phát đi cảnh báo về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh về các loại trái phiếu chất lượng thấp nhưng vẫn tìm cách phát hành và cảnh báo các nhà đầu tư về khả năng rủi ro lớn khi mua các loại trái phiếu này.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, ngoài những tác động tích cực của trái phiếu giúp các doanh nghiệp huy động vốn sản xuất, kinh doanh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ thời gian qua cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Điển hình là các doanh nghiệp bất động sản, phát hành trái phiếu với lãi suất cao, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo kém và cùng đó là sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, kể cả những nhà đầu tư không đạt chuẩn.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính khuyến cáo các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao, do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. Đặc biệt, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Do đó, Bộ Tài Chính khuyến cáo các nhà đầu tư cần tuân thủ pháp luật và nắm rõ các thông tin về trái phiếu trước khi đầu tư để hạn chế rủi ro khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã liên hệ với Công ty cổ phần tập đoàn APEC group và sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Trong những ngày gần đây, thông tin về việc vỡ nợ của của Công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande đặc biệt là nợ các khoản Trái phiếu Doanh nghiệp đến hạn. Từ câu chuyện này, nỗi lo về “bong bóng” trái phiếu Doanh nghiệp Bất động sản đã liên tục được cơ quan chức năng, các chuyên gia cảnh báo.
Trên thị trường, khối lượng phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản rất lớn. Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8/2021 đã có tổng cộng 52 đợt phát hành TPDN (TPDN) trong nước, với tổng giá trị đạt 26.077 tỷ đồng. Trong đó, nhóm BĐS giữ vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.950 tỷ đồng, khoảng 15% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Vụ việc Evergrande là lời cảnh báo các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhìn nhận lại khả năng trả nợ của mình khi phát hành trái phiếu ồ ạt như hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại.
Link gốc
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu