Tích cực triển khai chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030

Cụ thể, Bộ đã xây dựng, phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST đến năm 2025 của ngành KH&CN, trong đó tập trung vào 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển KH,CN&ĐMST. Tổ chức triển khai nhiệm vụ tính toán các chỉ tiêu và theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành văn  bản triển khai thực hiện Chiến lược.

Cũng theo Bộ KH&CN, năm 2023, ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN là 12.091 tỷ đồng, bao gồm kinh phí sự nghiệp KH&CN trung ương: 8.800 tỷ đồng (chiếm 72.78%, thấp hơn so với năm 2022 là 336 tỷ đồng) và kinh phí sự nghiệp KH&CN địa phương: 3.291 tỷ đồng (chiếm 27,22%, cao hơn so với năm 2022 là 96 tỷ đồng). Ngân sách nhà nước dành cho KH&CN năm 2023 đã được giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo đúng Nghị quyết số 69/2022/QH15 và Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/ 2022 của Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh hoạt động tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm trích lập Quỹ phát triển KH&CN, tạo nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc huy động kinh phí ngoài NSNN để triển khai hoạt động KH&CN được quan tâm thực hiện, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực.

 Ảnh minh hoạ

Bộ cũng kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Bộ theo quy định tại Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023 của Chính phủ. Đồng thời, tích cực rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ theo hướng tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực và hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu, đề xuất cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện cơ chế tự chủ, quy hoạch các tổ chức KH&CN công lập; hướng dẫn các tổ chức KH&CN về việc cấp Giấy đăng ký hoạt động KH&CN và các vấn đề liên quan đến tổ chức của các tổ chức công lập và ngoài công lập.

Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất nhiệm vụ, giải pháp mới có tính đột phá thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức; sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam. Tổ chức triển khai Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước và các chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN theo quy định.

Tổ chức rà soát, cập nhật Cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, gồm: nhiệm vụ KH&CN, công bố KH&CN, tổ chức KH&CN, cán bộ nghiên cứu khoa học góp phần minh bạch hóa hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phục vụ hoạch định chính sách chiến lược, lãnh đạo, quản lý tại bộ, ngành, địa phương, tránh trùng lặp trong nghiên cứu. Đổi mới, nâng cao chất lượng của hoạt động thông tin, thư viện, thống kê KH,CN&ĐMST.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm xây dựng, phát triển các nguồn tin KH&CN trong nước thành hệ tri thức cốt lõi của nền KH&CN Việt Nam. Duy trì và phát triển các Cổng thông tin KH&CN: Cổng Thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (tại địa chỉ startup.gov.vn); Cổng thông tin “vista.gov.vn”; Techmartvietnam.vn.

Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm xây dựng, phát triển khu công nghệ cao (trong đó có khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao) góp phần tăng cường sự chủ động của địa phương khi xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch; bảo đảm sự quản lý vĩ mô trong định hướng phát triển các khu công nghệ cao của cơ quan nhà nước ở trung ương. Tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết, Quyết định về việc chuyển giao Khu CNC Hoà Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ KH&CN về UBND Thành phố Hà Nội quản lý.

Đồng thời, hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành ngay sau khi Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được chuyển giao từ Bộ KH&CN về UBND Thành phố Hà Nội quản lý theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 01/8/2023. Triển khai hướng dẫn các địa phương trong việc quy hoạch, thành lập, mở rộng khu công nghệ cao và phối hợp với các Ban quản lý khu công nghệ cao trong việc triển khai các hoạt động công nghệ cao.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích