Tích cực kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại
Người tiêu dùng chi tiêu thắt chặt hơn
Theo số liệu của Cục thống kê, Chỉ số CPI của nước ta bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.
Tổng cục Thống kê lý giải giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm tăng CPI.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2024 ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 (tăng trên 10%) và mức tăng 9 tháng năm nay thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 9 tháng các năm giai đoạn (2015-2019).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Song theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng chưa đạt được mức tăng trưởng như thời kỳ trước dịch Covid-19 (tăng trên 10%) và mức tăng 9 tháng năm nay thấp hơn 2,5 điểm phần trăm so với mức tăng bình quân 9 tháng các năm giai đoạn (2015-2019). 9 tháng năm 2024 phản ánh cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa cao.
Người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu hơn. |
Giá tiêu dùng tăng khiến cho sức mua giảm nhiệt. Tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành Công Thương đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5% năm).
6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt 3.098.692 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cũng thấp hơn so với mục tiêu của ngành đặt ra trong năm 2024 và thấp hơn nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước.
Tại Diễn đàn Xu hướng tiêu dùng Việt Nam, kết quả khảo sát NielsenIQ Việt Nam cho thấy, do kinh tế khó khăn nên có đến 62% người tiêu dùng Việt Nam cắt giảm chi tiêu vào các mặt hàng không thiết yếu. Khoảng 50% người dùng đã giảm bớt mua sắm những món đồ sang trọng, hơn 30% hoãn các chi phí lớn.
Cũng theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng Việt Nam lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa.
Có thể thấy, thời gian qua, chúng ta chứng kiến những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng. Điều đáng lo, Việt Nam đang giai đoạn phục hồi, còn khá khó khăn. Tốc độ tăng tiêu dùng giảm trong khi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Việc người tiêu dùng giảm sức mua đã dẫn đến doanh thu của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh, tác động liên hoàn đến chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Phải có giải pháp kích cầu tiêu dùng
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh, khôi phục hạ tầng thiết yếu, kiểm soát nguồn cung, giá cả hàng hóa.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng trên 7%, tăng trưởng quý IV từ 7,5-8%. Trong đó phải có giải pháp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường trong nước
Để thúc đẩy thị trường nội địa, trước đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Hơn 70 gian hàng tham gia Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024. |
Tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước.
Khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá Việt, sản phẩm địa phương thông qua các mô hình gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên thương mại điện tử.
Thực hiện chỉ đạo, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Công điện về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; yêu cầu đảm bảo cung ứng hàng hoá đến các địa phương cả nước. Từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, trong đó trọng tâm là Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia tổ chức vào dịp cuối năm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Công thương cũng đã phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 (15/3) với chủ đề “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn” để khuyến khích người dân mua sắm, cung cấp thông tin minh bạch để bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho người dân.
Mới đây, để hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2245/QĐ-BCT về tổ chức “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 – Vietnam Grand Sale 2024”. Theo đó các doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều hoạt động khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng mua sắm sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp. Thông qua kích cầu tiêu dùng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Ở quy mô địa phương, để đẩy mạnh tiêu dùng những tháng cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có mức giảm giá từ 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại.
Trong Tháng Khuyến mại sẽ diễn ra nhiều sự kiện như “Lễ hội mua sắm Hà Nội – HaNoi shopping Festival”, “Hà Nội siêu hội mua sắm – HaNoi Mega Sale”, “Ngày Vàng Giá shock”… Tháng 11/2024 sẽ tiếp tục diễn ra Sự kiện Hà Nội đêm không ngủ – Ha Noi Midnight Sale, từ ngày 29/11 đến 30/11, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử… Hoạt động giảm giá sẽ áp theo từng khung giờ với mức ưu đãi “Càng khuya – Càng giảm”.
Đặc biệt, nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các đội quản lý địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Trong đó chú trọng kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp có biểu hiện thực hiện chương trình khuyến mại không đúng theo quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo lao động thủ đô